1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bô xít, giá điện làm “nóng” nghị trường

(Dân trí) - Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng GD-ĐT là 3 thành viên Chính phủ nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất trong kỳ họp này với 3 đề tài “nóng”: khai thác bô xít Tây Nguyên, tăng giá điện và tăng học phí.

Bô xít: thừa tiêu chí phải trình Quốc hội

Đại biểu Hà Thanh Toàn (TP Cần Thơ) cho rằng, chủ trương khai thác bô xít được TƯ Đảng đề ra từ rất sớm nhưng khi Chính phủ triển khai không báo cáo để xin sự đồng thuận sớm của Quốc hội. Chính phủ đã quyết định cho khai thác và đã ký kết với các đối tác nước ngoài. Dư luận xã hội hiện lo lắng nhiều về vấn đề môi trường và hiệu quả khai thác. Đại biểu Toàn đề xuất Quốc hội xây dựng chương trình giám sát và có Nghị quyết giám sát về dự án bô xít để cử tri an tâm.

Cùng ý kiến, đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM) cho rằng, căn cứ theo các tiêu chí về dự án quan trọng quốc gia cần Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án khai thác bô xít Tây Nguyên nói chung và Đăk Nông I nói riêng hoàn toàn đầy đủ, về cả số vốn, diện tích rừng cần “bóc”, vấn đề môi trường, an ninh. Bà Hồng đề nghị Thủ tướng giải trình việc dự án không được trình Quốc hội tại phiên chất vấn.
Bô xít, giá điện làm “nóng” nghị trường - 1
Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng TN-MT cùng nhận được những chất vấn về bô xít (Ảnh: Việt Hưng).

Đi vào chi tiết, đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) phân tích, các tiêu chí xác định theo Nghị quyết 66 là: quy mô vốn đầu tư, tỷ lệ vốn nhà nước trong liên doanh, diện tích đất có rừng, di dân tái định cư, địa bàn đặc biệt quan trọng, yếu tố lịch sử văn hóa… Tuy nhiên, báo cáo số 91 gửi tới các đại biểu của Chính phủ lại nêu việc triển khai các dự án bô xít không dựa vào các tiêu chí trên mà lại đề cập đến tỷ lệ % diện tích đất dự án đối với diện tích toàn tỉnh để cho rằng dự án không thuộc diện công trình quan trọng quốc gia cần trình Quốc hội quyết định.

Ông Danh cũng nêu thêm căn cứ, dự án Nhân Cơ ở Đăk Nông có nhu cầu vốn tới hơn 31.000 tỷ đồng, vượt “khung” 20.000 tỷ đồng, chiếu theo Nghị quyết 66. Chưa kể báo cáo không nêu rõ có bao nhiêu diện tích rừng bị “bóc”… Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Công thương giải quyết những điểm “mắc” trong báo cáo.

Cũng một đại biểu tỉnh Gia Lai, ông Hà Công Long đề nghị làm rõ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng với Chính phủ. Ông Long cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, để triển khai các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên phải chuyển mục đích sử dụng hàng ngàn hecta đất, xây dựng 3 hồ chứa với diện tích mặt và lưu lượng nước rất lớn, tiềm ẩn nhiều khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Tây Ninh) hướng lo lắng tới Bộ trưởng TN-MT. Bà Mai đặt câu hỏi: “Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bô xít có tính đến nguồn nước phải sử dụng lớn đến bao nhiêu để rửa độ kiềm cao và phục hồi lại đất trồng trọt? Bộ có suy nghĩ, giải pháp và chiến lược giữ cho được nguồn nước cũng như vùng đất trồng trọt quý như Tây Nguyên cho thế hệ tương lai?”.

Khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (TP Hà Nội) đặt câu hỏi cho Thủ tướng về việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên khi tiến hành khai thác bô xít. “Trong khi Chính phủ thừa nhận dự án triển khai sẽ tác động đến đời sống kinh tế, phong tục, tập quán, văn hóa xã hội của một bộ phận không nhỏ người dân bản địa thì các giải pháp kiểu “đặt vấn đề quan tâm bảo tồn phong tục, giữ gìn bản sắc” là quá chung chung, thiếu tính cụ thể…” - đại biểu Nhi nêu vấn đề.

Điện thử sức doanh nghiệp, người nghèo trong khủng hoảng

Đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) thắc mắc, trong điều kiện suy giảm kinh tế hiện nay, vì sao vẫn tăng giá điện, có đề án về tăng học phí. Chính phủ đánh giá tác động của việc này với mục tiêu giữ vững, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân?

Một câu hỏi khác dành cho Thủ tướng của đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận): chính sách có gây tác dụng ngược với số tiền rất lớn phải chi cho các giải pháp kích thích sản xuất, tiêu dùng để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Việc tăng giá xăng, tăng giá điện, tăng học phí… theo đại biểu Huệ là những quyết định gây tác động sâu rộng, không chỉ làm tăng chi ngân sách mỗi gia đình mà còn dẫn tới hiệu ứng tăng giá các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.

9/26 chất vấn gửi cho Bộ trưởng Công thương là về quyết định tăng giá điện vừa qua. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng ngành điện không nên thử sức doanh nghiệp, hộ gia đình trong thời kỳ khủng hoảng. Việc tăng giá, hạ khung tiêu thụ bậc thang đầu từ 100kwh/tháng xuống 50kwh/tháng, tính giờ cao điểm là làm khó từng gia đình, khó kép cho doanh nghiệp.
Bô xít, giá điện làm “nóng” nghị trường - 2
Đại biểu Lê Văn Cuông: “Giờ cao điểm từ 9h30’-11h30’ để tăng thu tiền điện gây nhiều bức xúc” (Ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Cao Ngọc Xuyên nêu những bất cập: khung giá với những người tiêu dùng phần lớn là ở nông thôn, khó khăn, chỉ dùng dưới 100 số điện/tháng tăng 33,1% trong khi nếu lấy trung bình diện sử dụng 300 số điện/tháng thì tăng chi chỉ 6,6%. Việc này khiến nhiều gia đình phải cắt giảm cả điện thắp sáng cho học tập của con em, giảm xem tivi… - những nhu cầu tối thiểu. “Ngành điện đã vô tình hay hữu ý tăng thêm gánh nặng chi phí đối với người tiêu dùng khu vực nông thôn, khó khăn?” – ông Xuyên chất vấn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) phân tích, một hộ nghèo (chiếm tới 30% dân số), đồ dùng điện hàng ngày phổ biến có 1 tivi, 1 nồi cơm điện, 1 ấm nấu nước Trung Quốc thì 50kwh cũng không đủ dùng mỗi tháng, dùng trên mức ấy thì giá cao hơn hẳn, càng khó khăn. Ông Kiệt kiến nghị xem lại quy định bậc thang đầu 50kwh của ngành điện.

Việc quy định giờ cao điểm từ 9h30’-11h30’ để tăng thu tiền điện theo đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng là làm khó, gây bức xúc trong dư luận, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm