Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi

Hương Thảo

(Dân trí) - Nhìn những chiếc balo thời trang, bắt mắt, những chiếc túi đa màu sắc, kiểu dáng… nhiều người không khỏi bất ngờ khi 70 - 80% chất liệu tạo ra chúng là những tấm vải bạt đã qua sử dụng.

Trong căn xưởng với diện tích vỏn vẹn 50m2, ba cô gái Trần Kiều Anh (38 tuổi), Hoàng Diệu Thảo Trang (28 tuổi) và Ông Tú Quân (26 tuổi) tất bật với công việc, người thiết kế, người kiểm tra sản phẩm, trao đổi với thợ may, người liên lạc đối tác, khách hàng.

Đây chính là nơi mà hơn một năm qua đã sản xuất ra những sản phẩm balo, túi xách "make in Việt Nam" từ bạt tái chế.

Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi - 1

Trần Kiều Anh (bên phải), Ông Tú Quân (bên trái), Hoàng Diệu Thảo Trang (giữa).

Nhìn những chiếc balo thời trang, bắt mắt, những chiếc túi đa màu sắc, kiểu dáng… nhiều người không khỏi bất ngờ khi 70 - 80% chất liệu tạo ra chúng là những tấm vải bạt (bạt mái hiên, bạt xe tải) đã qua sử dụng.

Tháng 3/2020, Kiều Anh - Thảo Trang - Tú Quân đã chính thức giới thiệu đến thị trường thương hiệu balo, túi xách làm từ bạt tái chế.

Sau 1 năm, hiện sản phẩm của 3 cô gái trẻ ngoài được bán online cũng đã có mặt ở 8 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu sang Anh theo đơn đặt hàng. Mỗi tuần, xưởng sản xuất từ 100 - 200 món hàng.

Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi - 2
Những chiếc balo được làm từ vải bạt tái chế

Ba cô gái đặt tên cho thương hiệu sản phẩm từ bạt tái chế của mình là Dòng Dòng. "Dòng dòng là cách phát âm của người Sài Gòn cho từ "vòng vòng". Ngụ ý là những tấm bạt từ mái hiên, bạt xe tải hay những bảng hiệu quán xá đi một vòng lại trở thành chiếc balo mang trên vai", Tú Quân giải thích.

Kiều Anh và Thảo Trang từng làm trong lĩnh vực thiết kế website, ứng dụng di động. Với đặc thù công việc, Kiều Anh và Trang nhận ra rất nhiều những tấm bạt hiflex làm banner quảng cáo, băng rôn sự kiện... sau khi sử dụng bị thải bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Hai cô gái trẻ bắt đầu suy nghĩ và nảy ra ý tưởng may balo bằng loại bạt này.

"Loại bạt này rất dễ kiếm. Bọn mình thiết kế mẫu rồi dự định dùng bạt để may balo. Thế nhưng khi thử nghiệm mới nhận ra rằng, chúng quá mỏng, không thể chịu lực tốt để làm ra các sản phẩm như balo đựng laptop được", Kiều Anh chia sẻ.

Không bỏ cuộc, các cô gái lại bắt đầu tìm kiếm vải bạt - loại bạt xe tải, bạt mái hiên để thử nghiệm. Đây là loại bạt chịu lực tốt, bền chắc.

"Loại bạt này ngay cả khi phơi nắng, mưa cũng có thể dùng 10 - 15 năm. Nhưng thường thì chỉ vài năm sử dụng là chủ cũ bỏ đi, thay mới, rất lãng phí", Kiều Anh cho biết.

Sau khi thử nghiệm thấy đây là chất liệu phù hợp tiêu chí sản phẩm, ba cô gái bắt đầu đi tìm nguồn nguyên liệu. Họ rong ruổi khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, đến các cửa hàng, các xưởng sản xuất, bãi ve chai để thu mua bạt dư, bạt cũ.

"Bạt cũ bị bỏ đi nhiều nhưng trước nay không ai thu gom lại chúng nên việc tìm mua số lượng lớn không dễ. Thậm chí, khi tìm được rồi, giá mua lại cũng không rẻ vì các cửa hàng, nhà xưởng nói họ mất công tìm, gom lại cho tụi mình.

Chúng thường bị vò nát, chất đống trong thời gian dài, tìm loại đạt tiêu chuẩn rất khó", Thảo Trang chia sẻ khó khăn về nguồn nguyên liệu. "Các loại vải, da… đã qua sử dụng dễ tìm kiếm hơn rất nhiều", cô cho biết thêm.

Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi - 3
Sau khi thu mua bạt cũ, nhóm sẽ phân loại, cắt thành từng mảnh nhỏ, vệ sinh bằng baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng... Điều đặc biệt, màu sắc và hình, chữ trên tấm bạt, thậm chí một số vết sờn, xước được giữ lại như một cách "kể câu chuyện về cuộc đời tấm bạt cũ" cho người mua.

"Thay vì thay đổi màu sắc của những tấm bạt, tụi mình suy nghĩ và tìm cách thiết kế hợp lý, hiệu quả nhất bằng những gì sẵn có ở chúng", ba cô gái chia sẻ.

Tất cả những công đoạn đều được làm thủ công. Mỗi tấm bạt đều được tính toán cẩn thận để hạn chế tối đa bạt vụn phải bỏ đi. Những chiếc balo được tạo nên từ nhiều mảnh bạt khác nhau phối ghép lại, tùy vào màu sắc của những tấm bạt tìm được.

Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi - 4
Sản phẩm chính của thương hiệu "thời trang" đặc biệt này là balo đựng laptop. Balo đựng laptop đảm bảo các tiêu chí như: bền chắc, chống sốc, chống nước, nhẹ và có tính thẩm mỹ. Để tăng tính thẩm mỹ, ba cô gái thử nghiệm thêu họa tiết lên bạt trước khi may sản phẩm.

Những mảnh bạt nhỏ không đủ kích thước hay độ bền để may balo được nhóm tận dụng làm thành chiếc ví. Nếu mảnh nhỏ không đủ làm ví sẽ được chuyển sang làm thẻ đeo bảng tên.

Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi - 5
Nếu mảnh bạt nhỏ không đủ làm ví hay balo sẽ được chuyển sang làm thẻ đeo bảng tên.

Trong khi Kiều Anh và Thảo Trang đảm nhận chính công việc thiết kế thì Tú Quân đảm nhận việc kinh doanh, quan hệ khách hàng. "Chúng mình tận dụng "vốn tự có" để giảm chi phí thuê người. Những gì tự làm được, chúng mình đều tìm tòi để chủ động làm. Hiện nhân lực của Dòng Dòng tất cả chỉ có 10 người", Kiều Anh chia sẻ.

Hiện tại, ngoài bán online hay bán sản phẩm theo dạng "kí gửi" tại các cửa hàng, Dòng Dòng cũng liên kết với một số đơn vị, nhận tái chế bạt bỏ đi của họ trở thành các sản phẩm để làm quà tặng nhân viên hay khách hàng.

Thời gian tới, ba cô gái đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu vật liệu để có thể tái chế cả các loại bạt làm banner, áp phích,... thay thế các loại móc khóa, dây đeo hiện tại trên sản phẩm bằng vật liệu tái chế.

Bỏ việc lương cao, ba cô gái Việt mở thương hiệu thời trang từ… bạt bỏ đi - 6
"Tụi mình cũng nghĩ đến phương án thu mua lại chính sản phẩm đã bán ra khi khách hàng muốn bán để cải tạo, làm mới, tiếp tục bán cho khách hàng khác. Đôi khi, sản phẩm có thể bền đẹp nhiều năm nhưng chỉ đôi, ba năm, khách hàng đã muốn thay đổi để mới mẻ hơn. Họ bỏ đi thì rất lãng phí. Bản chất sản phẩm của chúng mình chính là tái chế tối đa nguồn nguyên liệu", Kiều Anh chia sẻ.