1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Tư pháp đề nghị Đà Nẵng hủy quy định “cấm nhập cư”

(Dân trí) - Kết luận lần cuối sau những tranh cãi về Nghị quyết 23 của HĐND Đà Nẵng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp cho biết đã đề nghị thành phố Đà Nẵng tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung quy định bị “thổi còi”.

Bộ Tư pháp đề nghị Đà Nẵng hủy quy định “cấm nhập cư”
Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú.
 
Về quy định hạn chế nhập cư, mặc dù HĐND TP Đà Nẵng giải thích là căn cứ vào Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, luật Cư trú năm 2006 cũng như thực tiễn của địa phương, Cục Kiểm tra văn bản cho rằng các luật đã dẫn không có bất cứ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh thẩm quyền được “tạm dừng” (ngưng) hiệu lực của luật Cư trú để từ đó tước đoạt hay ngăn cản việc hưởng quyền lợi hợp pháp của công dân đã được Quốc hội trao cho họ.

Luật do Quốc hội ban hành phải được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Việc tạm ngưng hiệu lực của luật (tức tạm dừng giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của công dân) nếu có, phải do Quốc hội quy định.

Hơn nữa, luật tổ chức HĐND có đề cập thẩm quyền của cơ quan này là “thực hiện phân bổ dân cư và cải thiện đời sống người dân ở địa phương”, “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị” thì cũng là luật ban hành trước Luật Cư trú. Trong trường hợp các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Luật Cư trú ban hành sau có những quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện… được nhập hộ khẩu vào một địa bàn hành chính lãnh thổ. Theo đó, Cục kiểm tra văn bản cho rằng các quy định của luật Cư trú phải có hiệu lực, không thể viện dẫn luật Tổ chức HĐND để đưa ra các quy định trái với luật Cư trú.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật dẫn chứng Hà Nội, TPHCM có “siết chặt” nhập cư thông qua quy định về diện tích tối thiểu 5m2 sàn/người nhưng không loại trừ các trường hợp “chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự” như quy định của Đà Nẵng.

Cơ quan kiểm tra cũng khẳng định, nội dung liên quan đến Nghị quyết 23 của Đà Nẵng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, nêu quan điểm rất rõ là phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất các quy định của luật Cư trú và các văn bản liên quan.

Về quy định tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, Cục Kiểm tra văn bản cho rằng vừa không phù hợp Nghị định 34 (quy định thời hạn tạm giữ xe 10 ngày) cũng như Nghị quyết 32 của Chính phủ về việc điều chỉnh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (quy định thời hạn tạm giữ xe 90 ngày).

Mặt khác, Cục khẳng định, theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục. HDND TP Đà Nẵng trực tiếp đưa ra hình thức xử lý là không đúng thẩm quyền.

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc HĐND TP Đà Nẵng đưa ra quy định tạm dừng đăng ký mới đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ là cần thiết nhưng để đảm bảo đúng quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức theo luật Doanh nghiệp thì Đà Nẵng phải quy định rõ thời hạn cụ thể của việc tạm dừng và các điều kiện kèm theo.

Thông báo kết luận cuối cùng về việc kiểm tra Nghị định 23 gửi tới HĐND TP Đà Nẵng, Cục trưởng Lê Hồng Sơn đề nghị cơ quan này tự kiểm tra, hủy bỏ các nội dung về tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú; tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tổi đi xe máy, yêu cầu quy định cụ thể thời hạn đối với việc tạm dừng đăng ký mới với sơ sở kinh doanh cầm đồ.

Thông báo nhấn mạnh, theo quy định tại Nghị định 40 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, HĐND TP Đà Nẵng phải xem xét, hủy bỏ các nội dung trái luật trong Nghị quyết 23 trong kỳ họp HĐND tới đây.

P.Thảo