1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ nhận “một phần trách nhiệm”

(Dân trí) - Việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng NN&PTNT liên quan đến xuất khẩu gạo không khiến cho phần trách nhiệm của Bộ Công Thương bị đặt nhẹ. Tuy thế, vị “tư lệnh” của Bộ này chỉ nhận về mình… một phần trách nhiệm.

“Nói điều hành chính xác, tôi không hài lòng”

Các đại biểu ĐBSCL tiếp tục chuyển đến bàn Bộ trưởng Công Thương hàng loạt những bức xúc của cử tri, nhân dân xung quanh việc điều hành xuất khẩu lúa gạo.

Đáp lại câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Hoà (An Giang), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thanh minh: “Chúng tôi đã cố gắng trả lời về việc xuất khẩu lúa gạo nhưng chưa đáp ứng được vì đây là vấn đề có phạm vi rộng, cách nhìn chưa thống nhất”.

Ông Hoàng lí giải, bước vào năm 2008, tình hình có nhiều khó khăn, Chính phủ đã quyết định tạm dừng kí hợp đồng xuất khẩu mới nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã kí.

“Câu trả lời lần này của Bộ trưởng Công Thương, cử tri cũng không hài lòng”, đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) bức xúc.

Theo bà Dung, trả lời của ông Hoàng chưa làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, tổ trưởng tham mưu xuất khẩu gạo trong tình hình có chuyển biến mới. Trong khi sản lượng lương thực của ta tăng, giá thế giới giảm từng ngày, Bộ đã có sự chần chừ, khiến thời cơ trôi đi, thiệt hại rất lớn.

Ông Hoàng thừa nhận: “Việc xuất khẩu gạo chưa đáp ứng được yêu cầu có một phần trách nhiệm của chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông Hoàng khẳng định, chưa bao giờ các bộ kiến nghị dừng xuất khẩu gạo và Chính phủ chưa bao giờ dừng xuất khẩu gạo, chỉ tạm dừng kí hợp đồng mới.

“Cá nhân tôi và Bộ Công Thương tham mưu để Chính phủ đưa ra quyết định cuối tháng 3, đầu tháng 4/2008 là chính xác”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Hoàng đặt lại vấn đề, trong bối cảnh giá thế giới lên cao, thương lái săn mua gạo trong nước ráo riết, nếu không thực hiện như đã làm, giá lương thực, chỉ số giá nói chung lên đến mức nào, an ninh lương thực ra sao?

Ông Hoàng cũng nói nước đôi: việc tham mưu của Bộ là chính xác và nếu không chính xác sẽ “xin chịu một phần trách nhiệm”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ nhận “một phần trách nhiệm” - 1

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp): “Bộ trưởng nói việc điều hành chính xác, tôi không hài lòng” (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) gay gắt: “Bộ trưởng nói việc điều hành chính xác, tôi không hài lòng”. Theo ông Nhơn trả lời của ông Hoàng về vấn đề này đã khiến 8 đại biểu của đoàn Đồng Tháp không đồng tình. Vấn đề cốt lõi, chưa nói đến qui trách nhiệm cá nhân mà theo ông Nhơn, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, không phải Bộ NN&PTNT.

Ông Hoàng tiếp tục nhận “một phần trách nhiệm” và khẳng định, Bộ Công Thương và các Bộ khác không chạy theo lợi ích của Bộ mình, ngành mình.

Ông cho rằng, người nông dân một nắng hai sương phải được hưởng công sức làm ra và quan điểm trong tham mưu chỉ đạo là không để thiệt hại cho người dân. Vấn đề theo ông Hoàng chỉ là “không kịp thời”. Ông Hoàng đề nghị gặp đại biểu Nhơn để trao đổi cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng nhận xét, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nhiều lần nhận một phần trách nhiệm, nhưng chưa nói rõ trách nhiệm của Bộ trưởng là gì và biện pháp sắp tới vẫn chưa rõ.

Không thể lấy phần chia sẻ của người dân để… thưởng

Đại biểu Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) “tuôn” liền một lố bức xúc: “EVN lãi hay lỗ? Tại sao EVN từ chối 13 dự án phát triển điện? EVN kêu lỗ nhưng lại xin trích tới hơn 1.000 tỷ đồng làm quỹ lương thưởng trong bối cảnh đất nước khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Trước khi về họp, địa phương tôi vẫn đang mất điện. EVN kêu thiếu vốn nhưng vẫn có tiền đầu tư cho ngân hàng, chứng khoán?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "đỡ" thay cho EVN về câu chuyện trả lại 13 dự án. Theo ông Hoàng, theo phương án tăng sản lượng điện thời gian tới, tính theo phương án 20%, phải đưa vào vận hành được thêm hơn 60.000 MW điện. Trong đó, EVN được giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển để đưa thêm 31.000 MW lên lưới.

Cái khó của EVN, theo Bộ trưởng Hoàng, với 13 dự án xây dựng nhà máy điện được giao đều sử dụng than trong khi nguồn nguyên liệu này hiện cũng hạn chế nhiều. Dẫu vậy, Bộ trưởng Công Thương đánh giá, EVN đã không hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, dù có những khó khăn khách quan.

Vấn đề kết quả kinh doanh của ngành điện, ông Hoàng cho biết còn đang chờ kiểm toán. Việc EVN xin trích 1.002 tỷ đồng để làm quỹ phúc lợi là từ nguồn thu năm 2007. Với giá bán điện trung bình hơn 860 đồng/kwh, EVN lãi 140 đồng/kwh, tỷ suất lợi nhuận 3% trên vốn.

Bộ trưởng Hoàng khẳng định, tỷ suất lợi nhuận như vậy là rất eo hẹp, khó khăn cho EVN. Khó có khả năng Tập đoàn điện lực tự huy động được vốn hay các ngân hàng cho vay với việc lỗ lãi thiếu khả quan như vậy.

Theo dự báo, nhu cầu điện năm tới tăng 13%, về tổng thể, theo ông Hoàng, có thể đảm bảo những nhu cầu thiết yếu, không cắt điện tràn lan. Dù thế, khó tránh việc mùa khô vẫn phải tiết giảm điện.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ nhận “một phần trách nhiệm” - 2

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang): Bao giờ Việt Nam mới có thị trường mua bán điện cạnh tranh? (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) vẫn không thỏa hiệp, cho rằng có sức ép rất lớn của cử chi về việc thiếu điện, cắt điện luân phiên trong khi EVN có lãi mà không đầu tư để phát triển điện. “Chúng ta đang biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp?” - câu hỏi của ông Hải chưa có điều kiện được trả lời.

Ông Hải cũng phân tích thêm, nếu không vì lý do bất khả kháng phải cắt điện, EVN phải đền bù cho người dân và doanh nghiệp. Và như vậy thì EVN không có lãi như báo cáo. Người dân chia sẻ với thực trạng này là chia sẻ với nhà nước. Việc quy ra lãi để chia như thế là không phải.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cũng thở dài, bỏ trống câu hỏi, bao giờ Việt Nam mới có thị trường mua bán điện cạnh tranh?.

Cấn Cường - Phương Thảo