Bộ trưởng Tư pháp: Rà soát các vụ thi hành án, tránh kiện tụng rất mệt mỏi
(Dân trí) - Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu rà soát những vụ việc đã phải tạm dừng trong thời gian qua gây ảnh hưởng như thế nào tới cơ quan, tổ chức, cá nhân để kịp thời tháo gỡ, "tránh kiện tụng rất mệt mỏi".
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công năm 2022 sáng 22/11, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết năm 2021 đã thi hành xong gần 494.000 việc trong tổng số 843.102 việc phải thi hành (đạt tỷ lệ 75,81%). Trong tổng số tiền phải thi hành trên 286.235 tỷ đồng, đến nay đã thi hành xong 45.705 tỷ đồng (đạt tỷ lệ trên 31%).
"Do có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, sự chủ động vào cuộc của các bộ ngành, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự các địa phương, ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, từ 1/10 đến 5/11 các cơ quan thi hành án đã thu tiền, xử lý và giao tài sản với giá trị đạt gần 5.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đã thi hành xong từ đầu năm 2021 đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng"- đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin.
Trong bối cảnh toàn xã hội bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp để chỉ đạo hệ thống thi hành án thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, chú trọng thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng…
Tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự không ngừng được củng cố, kiện toàn. Số lượng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW.
Tổng cục Thi hành án dân sự cũng sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với công tác thi hành án, trọng tâm là kiểm tra, giám sát đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm theo tinh thần "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ".
Ghi nhận những nỗ lực trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu đặt ra về thi hành án đều không đạt được và đều thấp hơn năm 2020.
Ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Long cho rằng có rất nhiều nguyên nhân nội tại trong ngành thi hành án dân sự mà bao năm nay chưa khắc phục được. "Trong một số trường hợp chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp trên với cấp dưới chưa kịp thời, có phần do sợ trách nhiệm, giữ an toàn cho mình và né trách nhiệm"- Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ.
Theo ông Long, các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn khá nhiều, không ít vụ việc kéo dài chưa có hướng ra. Thậm chí, trong các sai phạm của cán bộ thi hành án không đơn thuần chỉ vì thủ tục, trình tự, mà còn về chuyên môn và vi phạm đạo đức, dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu chấn chỉnh nghiêm túc các vi phạm; đồng thời ngành thi hành án phải rà soát những vụ việc đã phải tạm dừng trong thời gian qua gây ảnh hưởng như thế nào tới cơ quan, tổ chức, cá nhân để kịp thời tháo gỡ, "tránh kiện tụng rất mệt mỏi".