1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chỉ số hài lòng của người dân ở mức cao

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nỗ lực của toàn ngành đã được đánh giá, ghi nhận cao qua chỉ số hài lòng từ phía người dân. Năm 2022 toàn ngành sẽ tập trung vào 8 nhóm việc then chốt.

Nhân dịp đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí về những thành quả đạt được trong năm 2021 và những thách thức, cơ hội phát triển của toàn ngành trong năm nay.

Thưa Bộ trưởng, có thể thấy chưa bao giờ vấn đề tài nguyên và môi trường lại là tâm điểm của các chương trình nghị sự phát triển của toàn cầu và của đất nước như hiện nay. Nhìn lại kết quả công tác năm 2021 của ngành, Bộ trưởng có nhận xét, đánh giá gì?

- Chúng ta vừa trải qua một năm hết sức đặc biệt. Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu và sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội, làm ngưng trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiên tai và biến đổi khí hậu đã trở thành tình trạng khẩn cấp của nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó ngành tài nguyên và môi trường đã sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt với quyết tâm cao nhất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chỉ số hài lòng của người dân ở mức cao - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ảnh: Khương Trung).

Các vướng mắc từ thực tiễn, chồng chéo trong pháp luật đã được rà soát ở 440 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, để khơi thông, giải phóng các nguồn lực tài nguyên đảm bảo đáp ứng các điều kiện đầu vào liên tục của nền kinh tế (như quỹ đất, nước, khoáng sản,...), đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, các cân đối lớn. Hoàn thành trình Quốc hội quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, đây là quy hoạch sử dụng đất quốc gia đầu tiên được phê duyệt.

Thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm thực chất, giảm 40% thủ tục hành chính, 20-85 ngày đối với các thủ tục về môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã về đích hoàn thành mục tiêu của Chính phủ về phát triển chính phủ điện tử với 100% thủ tục được thực hiện trực tuyến, 80% ở cấp độ 4; việc xử lý, giải quyết hồ sơ, ký số được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).

Chúng ta không chỉ đảm bảo các điều kiện tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế như: quỹ đất cho triển khai các dự án hạ tầng, thu hút, đón nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh… mà còn đóng góp nguồn thu ngân sách. Thu ngân sách từ đất năm 2021 đạt trên 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, cao gấp 3,5 lần năm 2015. Nếu tính từ năm 2016 đến nay, thu từ nguồn lực đất đai đạt hơn 1,05 triệu tỷ. Nguồn thu từ tài nguyên nước ước đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 5.715 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng của đất nước cho phục hồi kinh tế, phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Năm 2021, năm đánh dấu bước chuyển biến với hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, các chỉ tiêu về môi trường hoàn thành vượt mục tiêu. Bài toán về rác thải đã có lời giải với các dự án đã, đang triển khai sẽ xử lý 30% rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt rác phát điện đạt 157MW. Kinh tế tuần hoàn bước đầu đã được phát triển công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3%...

Nỗ lực của toàn ngành được người dân, đánh giá, ghi nhận cao qua chỉ số hài lòng từ phía người dân. Năm 2021, tỷ lệ người dân hài lòng về dịch vụ công về đất đai, môi trường tăng 4,14%; tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính giảm 7%, phải trả chi phí không chính thức về đất đai giảm 4% (theo báo cáo PCI). Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm từ 8,85% năm 2019 xuống còn 4,03%. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 5 trong số các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Các chỉ số về bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc so với năm 2016 (vị trí 88).

Những kết quả đáng tự hào đó đạt được là nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, đặc biệt là nỗ lực, cố gắng, tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chỉ số hài lòng của người dân ở mức cao - 2

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Nỗ lực của toàn ngành được người dân, đánh giá, ghi nhận cao qua chỉ số hài lòng từ phía người dân" (Ảnh: Khương Trung).

Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường đứng trước nhiều cơ hội và có cả không ít thách thức. Xin Bộ trưởng cho biết ngành sẽ cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nào để chuyển hóa khó khăn, tạo cơ hội và động lực cho sự phát triển?

- Đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, "luật chơi mới" về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, mục tiêu trung hòa các-bon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Đòi hỏi phải tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế của thời đại, phải trở thành những người tiên phong đổi mới đột phá về thể chế, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu. Ngành tài nguyên và môi trường sẽ thực hiện sâu sắc phương châm "Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, hội nhập, hiệu quả" trong năm 2022.

Trước hết, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế trong đó trọng tâm là: Hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 19 về đất đai trình Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới; tổng kết Nghị quyết số 24 về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi); xây dựng Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với mục tiêu cao nhất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Hoàn thiện để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về khoáng sản; tổng kết đánh giá và lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản. Trình Quốc hội Quy hoạch sử dụng không gian biển quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống quy hoạch về tài nguyên và môi trường.

Hai là, bên cạnh việc quản lý, sử dụng khai thác tiết kiệm, hiệu của các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn hữu hạn; ngành tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục xây dựng tạo lập tài nguyên số từ các dữ liệu lớn về đất đai, thông tin địa lý, quan trắc, viễn thám, dữ liệu khí hậu để thực hiện mục tiêu kinh tế hóa tài nguyên, môi trường và phát triển kinh tế số.

Ba là, tiếp tục phân cấp thẩm quyền đi đôi với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi, thượng tôn pháp luật; tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm pháp luật, thất thoát, lãng phí, trong quản lý tài nguyên và môi trường, các hành vi nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận.

Bốn là, triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung rà soát tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,... trên phạm vi cả nước. Phát triển các ngành kinh tế biển, hành lang kinh tế ven biển, điện gió ngoài khơi, khai hoang, lấn biển.

Năm là, xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư. Triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường.

Sáu là, thực hiện giải pháp chiến lược, đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26; hoàn thiện thể chế, chính sách; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, chủ động tận dụng các cơ hội hợp tác, tiếp cận công nghệ, và đón đầu các dòng vốn đầu tư xanh vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng phục vụ chuyển đổi mô hình phát triển.

Bảy là, điều tra, đánh giá đầy đủ, thực chất tiềm năng các nguồn tài nguyên, kiểm kê, lượng hóa để hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; áp dụng phương pháp tiên tiến trong quản trị tài nguyên. Tìm kiếm các loại vật liệu mới, năng lượng sạch, bền vững.

Tám là, tăng cường hợp tác quốc tế nhất là ngoại giao về khí hậu, môi trường, chia sẻ khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cắt giảm các tổ chức trung gian nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ…

Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội của Việt Nam khi thực hiện các cam kết mà chúng ta đã tham gia?

- Có thể nói, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn mang tầm chiến lược, kịp thời nắm bắt xu thế thời đại về phát triển các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, qua đó gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về con đường phát triển của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Điều đó, đã giúp chúng ta có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu, cũng như đáp ứng được sự thay đổi về "luật chơi" mới về thương mại, kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để thực hiện được những cam kết trên còn có rất nhiều việc phải làm. Trước hết là phải rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã và đang được xây dựng của các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng của Việt Nam về "0" vào năm 2050.

Đồng thời, để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, chúng ta cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đồng thời tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính  cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ như Hoa Kỳ, EU, Vương quốc Anh, các nước G7, các nước Bắc Âu,… trong đó có nhiều nước có quan hệ rất tốt đẹp và là những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chỉ số hài lòng của người dân ở mức cao - 3

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hưởng ứng lễ trồng cây rừng ngập mặn ven biển Cam Lâm (Khánh Hòa), hồi tháng 12-2021. Ảnh: TTXVN

Cũng cần phải tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Đây là việc cần phải thực hiện có lộ trình phù hợp. Tâm lý vì lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài còn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của toàn xã hội…

Ngoài ra, chúng ta thấy rằng, nguồn lực tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu cũng còn rất khó khăn. Do đó, chúng ta cũng phải chủ động có các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp vào các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực trong nước rất thiếu.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước thật tốt đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.

Đó là một số thách thức chính khi chúng ta triển khai các cam kết tại COP26 (Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu). Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với quyết tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất của quốc gia, sự ủng hộ của xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, việc chuyển đổi của Việt Nam gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên chắc chắn sẽ thành công.