1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng TN&MT: TPHCM cần đi trước cả nước để cải thiện ô nhiễm không khí

Q.Huy

(Dân trí) - Bộ trưởng TN&MT cho biết, TPHCM bị ô nhiễm không khí, sức khỏe người dân chịu ảnh hưởng trong một số thời điểm. Thành phố cần tính toán để loại bỏ dần phương tiện cá nhân để cải thiện môi trường.

Ngày 18/10, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND TPHCM. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND TPHCM đã gửi tới nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, trong số các đề xuất, kiến nghị của thành phố, nhiều vấn đề đã được đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Những vấn đề được UBND TPHCM đặt ra là xác đáng, phù hợp thực tiễn của địa phương và cả nước.

Bộ trưởng TNMT: TPHCM cần đi trước cả nước để cải thiện ô nhiễm không khí - 1

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN&MT, làm việc với TPHCM (Ảnh: H.L.).

Bộ trưởng TN&MT cũng chỉ rõ, theo đánh giá tác động, TPHCM là địa phương bị ô nhiễm không khí, sức khỏe người dân chịu ảnh hưởng trong một số thời điểm. Do đó, địa phương cần tính toán để thí điểm đi trước cả nước về vấn đề môi trường.

"TPHCM có thể tính toán để đi trước trong việc hạn chế, tiến tới bỏ dần phương tiện cá nhân, thay thế bằng phương tiện công cộng, thay đổi dần từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch. Nếu làm được, TPHCM sẽ có điều kiện để thu hút thương mại, dịch vụ, du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế", Bộ trưởng TN&MT gợi ý.

Bộ trưởng TNMT: TPHCM cần đi trước cả nước để cải thiện ô nhiễm không khí - 2

Bộ trưởng TN&MT cho biết, TPHCM đã bị ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến người dân (Ảnh: I.P.).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đặt vấn đề, TPHCM cần mạnh dạn thí điểm trong lĩnh vực quy hoạch. Đây là lời giải căn cơ để thành phố giải quyết các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, ngập úng, triều cường.

"Với cơ chế hiện hành, TPHCM không thể thực hiện phần việc này. Muốn làm được, thành phố cần đánh giá tính khả thi của quy hoạch thông qua điều tra địa chất, thủy văn, xác lập bản đồ số về cao độ của toàn TPHCM", Bộ trưởng TN&MT lưu ý.

Sau khi có các dữ liệu trên, TPHCM cần tư duy về phương pháp quy hoạch cho phù hợp với địa phương có nền địa chất yếu, không bền vững, thấp hơn mực nước biển. TPHCM có thể tham khảo cách thức mà Hà Lan đang thực hiện quy hoạch.

Để thực hiện vấn đề này, TPHCM cần nguồn tài chính lớn, do đó, địa phương cần đề xuất cơ chế sử dụng ngân sách hoặc phương án khác để đáp ứng việc quản lý đô thị, tài nguyên...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đặt vấn đề, hiện tại, TPHCM là đô thị đầu tàu về kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học công nghệ nhưng đất nông nghiệp vẫn chiếm trên 53%. Do đó, thành phố cần có phương án, giải pháp chuyển mục đích đất nhằm tăng hiệu quả đất đai, khai thác được quỹ đất lớn và phù hợp với tình hình.

"Không nên coi đất nông nghiệp đơn thuần là phát triển kinh tế nông nghiệp. Diện tích đất này còn là không gian, môi trường sinh thái, có thể phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ về nông lâm nghiệp, sản xuất dược liệu", Bộ trưởng Trần Hồng Hà gợi ý.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết, địa phương đã đi qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11. Tuy nhiên, thành phố mất một năm tập trung phòng, chống Covid-19 và một năm phục hồi khiến địa phương bị trì hoàn nhiều việc chưa thể triển khai.

Bí thư Thành ủy TPHCM tiếp tục khẳng định quan điểm, thành phố sẵn sàng đăng cai thí điểm những vấn đề mới để các bộ, ngành trung ương rút kinh nghiệm. Trước thời điểm Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, Bí thư Thành ủy thành phố nhắc lại, địa phương không chờ đợi mà sẽ thí điểm để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chính thức.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm