1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Thăng xin lỗi doanh nghiệp vì chính sách bất cập

(Dân trí) - Cơ chế bất cập, thủ tục rườm rà trong việc “siết” tải trọng xe đã khiến các doanh nghiệp vận tải chân chính bức xúc. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lên tiếng xin lỗi và khẳng định khi quy định chưa rõ mà phạt sai thì phải trả tiền cho dân.

Tại Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp về chính sách vận tải sau khi “siết” chặt quản lý quản lý vận tải hàng hóa và xe khách, chiều qua 3/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cùng với 6 Thứ trưởng tại các đầu cầu trực tuyến đã lắng nghe và cùng tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng.

Doanh nghiệp “hết hơi” vì chính sách

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, hiện nay chính sách quản lý vận tải của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thay đổi quá nhanh và liên tục khiến cho doanh nghiệp quay cuồng. Theo ông Bình, nguyên nhân chính của sự thay đổi là do khi xây dựng chính sách, các Cục, Vụ của Bộ GTVT không cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của địa phương.

“Nghị định thay thế Nghị định 91, Nghị định 93 về quản lý vận tải vừa ban hành và Thông tư 18 hướng dẫn thực hiện mới ban hành được 8 tháng thì hiện lại tiếp tục sửa đổi. Doanh nghiệp chỉ chạy theo chính sách cũng hết hơi. Do vậy, Bộ GTVT cần có những chính sách dài hơi, áp dụng lâu dài, phù hợp với từng giai đoạn phát triển vận tải để DN thích ứng và thực hiện” - ông Bình dẫn chứng.

Cuộc đối thoại trở nên nóng bỏng hơn khi từ các điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, các doanh nghiệp vận tải đồng loạt lên tiếng về những bất cập trong việc “siết” xe quá tải.

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng - nhìn nhận: Công tác kiểm soát tải trọng xe nhằm giữ cấp đường bộ, giảm tai nạn giao thông, nhưng quy định không thống nhất sổ kiểm định, mỗi thời điểm lại cấp tải trọng khác nhau cho cùng một loại xe. Vì vậy, việc xử phạt quá tải trọng trục trong khi doanh nghiệp chở hàng không quá tổng tải trọng, và xử phạt trên đường nơi theo giấy đăng kiểm nơi theo tải trọng cầu đường... khiến doanh nghiệp hoang mang. Đến nay, sau 1 tháng đề nghị vẫn chưa được tháo gỡ việc ghi sai tải trọng xe.

Việc siết tải trọng xe còn nhiều bất cập khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc

Việc "siết" tải trọng xe còn nhiều bất cập khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bức xúc

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà (đơn vị chuyên về xe sơmi rơ-moóc) - cũng cho rằng, từ 1/4 đến nay có quá nhiều bất cập trong cân tải trọng xe, thậm chí sự bất công bằng xảy ra ở chính cách xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Cụ thể là cách tính theo đầu trục là cách tính phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp, không thể xếp hàng cân đối 2 đầu trục được, do vậy nên xử phạt theo quá tải tổng trọng lượng trục.

“Tôi đang cầm rất nhiều biên bản đây, quá tải trọng trục 2-5% là bị phạt. Trong khi đó, hàng đoàn xe quá 100-200% thì không bị vẫy vào. Phải chăng cơ quan chức năng đang nhắm vào những người cố gắng làm đúng? Bộ GTVT đã đề xuất với Chính phủ là không xử lý những xe quá tải trọng 10%, tải trọng trục, vậy mà đi trên đường Cảnh sát giao thông vẫn phạt như thường. Xin chỉ cho thông số đúng về tiêu chuẩn mẫu sơmi rơ-moóc để người tiêu dùng có thể mua đúng, nếu không chúng tôi như người mù đi vào rừng cây” - ông Ngọc bức xúc.

Từ đầu cầu TPHCM, ông Thái Văn Chung - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM - cũng nêu lên quan điểm, kiểm soát tải trọng cần phải làm từ đầu nguồn hàng, thậm chí để doanh nghiệp tâm phục khẩu phục thì lực lượng chức năng cũng cần xử phạt công bằng.

“Xử phạt cần công bằng, thu giấy phép lái xe và phạt lái xe 6 triệu thì là oan cho họ, trong khi nếu có chỉ phạt chủ hàng chủ cảng có 2,5 triệu là chưa thỏa đáng vì đây mới là đối tượng có quyền chất hàng lên xe. Xử phạt xe quá tải hiện nay Bộ GTVT nói rằng cần làm từ kho bãi, bến cảng, nguồn hàng, song chưa thấy làm triệt để. Trông chờ vào riêng trạm cân trên đường là không ổn vì không thể có đủ người đâu làm 24h và làm từ năm nọ đến tháng kia” - ông Thái Văn Chung bày tỏ.

Bộ trưởng xin lỗi!

Giải thích về việc cấp đăng kiểm cho tải trọng của đầu kéo và móc kéo container, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm - cho biết, trước đây khi các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện theo Thông tư 03 và 07 thì không chở quá tải, đến nay việc thực hiện Thông tư 06 (hợp nhất của thông tư 03 và 07) thì những xe này quá tải. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn hiểu sai về Thông tư 07 bởi cùng một phương tiện nhưng ở những thời điểm khác nhau (các kỳ kiểm định) được Đăng kiểm cấp chứng nhận chở khối lượng hàng hóa khác nhau là do sức khỏe của phương tiện ở thời điểm đăng kiểm chỉ chở được khối lượng ngần đó.

“Cũng là đàn ông nhưng có người đá bóng được, có người chỉ làm được huấn luyện viên, chứ không phải ai cũng đá bóng được, điều này phụ thuộc vào sức khỏe của từng người” - ông Hình ví von.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã không chấp nhận lý giải nói trên của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định: “Khi chưa đưa ra được thế nào là con số chuẩn cho phương tiện thì không được bảo là doanh nghiệp nhập xe không đúng chuẩn. Tất cả những vấn đề mà quy định pháp luật còn chưa thống nhất, mâu thuẫn thì chưa được phạt doanh nghiệp. Quy định pháp luật mà sai, thì phạt rồi cũng phải trả lại tiền cho dân”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng 

Về xe quá tải trục 10%, ông Trần Kỳ Hình báo cáo rằng cách đây 2 tháng, Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ chưa xử phạt xe quá tải dưới 10%, chưa xử lý vi phạm tải trọng trục đến 31/12/2014. Hiện, Chính phủ đã đồng ý nhưng vẫn phải chờ văn bản chính thức.

Đến đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng hướng sang ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia kiêm Vụ trưởng Vận tải và yêu cầu: “Tối nay phải có văn đặt trên bàn tôi để tôi ký gửi sang Bộ Công an đề nghị không xử phạt các lỗi trên từ ngày 4/7. Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT tôi sẽ cho xử lý ngay, còn lại sẽ báo cáo Chính phủ. Lãnh đạo Bộ Công an cũng ngồi họp đây, tôi đề nghị các đồng chí chỉ đạo cho các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường và các trạm cân áp dụng ngay!”.

Trước những vấn đề được đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói lời xin lỗi với các doanh nghiệp vận tải. Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm siết chặt xe quá tải song phải thúc đẩy thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

“Tôi xin lỗi các doanh nghiệp vận tải về những thiếu sót, bất cập, về những văn bản rườm rà, chưa đáp ứng được nguyện vọng, chưa giải quyết được các yêu cầu của doanh nghiệp vận tải. Bộ GTVT hứa sẽ xử lý ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền” - Bộ trưởng Đinh La Thăng chốt lại buổi làm việc.

Liên quan đến vấn đề tạm thời chưa xử phạt một số trường hợp về tải trọng, ngay tối 3/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký văn bản gửi Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường bộ (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và các lực lượng khác) không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP trong thời gian từ nay đến ngày 31/12/2014 đối với các trường hợp vi phạm quy định về tải trọng trục nhưng không vi phạm trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; các trường hợp vi phạm chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường dưới 10%.

Châu Như Quỳnh