1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Thăng: Khởi công sân bay Long Thành vào năm 2019

(Dân trí) - “Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, vì vậy mục tiêu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là khởi công xây dựng vào năm 2019 và đến đầu năm 2023 sẽ đưa vào khai thác” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay.

Sân bay Long Thành giúp giải quyết quá tải sân bay Tân Sơn Nhất từ 2020

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 diễn ra chiều 6/7, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ cho phép Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư lập dự án khả thi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và sử dụng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA để tránh những ràng buộc của nước tài trợ, sau đó sẽ công khai lựa chọn nhà thầu.

“Mục tiêu của Bộ GTVT là khởi công xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2019 và đến đầu năm 2023 sẽ đưa vào khai thác”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng thông tin thêm, trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Diễn đàn kinh tế năm nước tiểu vùng Mekong vừa diễn ra tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có những trao đổi về vốn ODA cho Việt Nam. Qua đó, Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia vào Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao…

Với tư cách là chủ đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tại hội nghị này ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc ACV - cho biết, ACV đang nghiên cứu một số tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư dự án, đơn vị tư vấn nước ngoài. Thời gian chọn nhà đầu tư trong khoảng từ 6-8 tháng, chọn đơn vị tư vấn trong 15-17 tháng.

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có quy mô đầu tư xây dựng với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư của Dự án khái toán là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD). Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó mức vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Châu Như Quỳnh