Bộ trưởng Tài chính: Đảm bảo đủ kinh phí thực hiện các cao tốc vành đai
(Dân trí) - Về nguồn kinh phí đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT đã giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện.
Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, Dự án đường vành đai 3 TPHCM; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Quy hoạch phải cập nhật tầm nhìn 100 năm
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết, giao thông đi đến đâu thì trăm nghề phát triển, chúng ta phát triển được hệ thống giao thông thì sẽ tạo huyết mạch cho nền kinh tế quốc gia, khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển đất nước, xuất khẩu.
"Chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải khi xây dựng tuyến đường cần tính quy hoạch dài hơi. Như làm đường vào năm 2010 nhưng đến năm 2020 đã quá tải, bị kẹt. Phải có tầm nhìn dài hạn, thiết kế rộng rãi, đảm bảo tương lai, quy hoạch xong vài năm sau lại lạc hậu thì không nên" - ông Phớc nói.
Bộ trưởng Tài chính đề nghị phải tập trung thi công nhanh, khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công; đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn.
Về nguồn kinh phí, ông Phớc thông tin Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện.
Ông Lê Tấn Tới - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội - bày tỏ sự quan tâm về đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - một trong ba dự án đường cao tốc vừa được Chính phủ trình và đề nghị áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù sáng 6/6. Theo ông Tới, khi đất nước phát triển, bên cạnh những phân tích xây dựng các tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ẩn chứa rất lớn về vấn đề quốc phòng an ninh.
Ông Tới cũng đề cập tới đặc thù của dự án cao tốc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là vấn đề địa hình. Dự án đi qua đồi núi, khe suối rất nhiều, nền đất yếu và kênh rạch nhiều. Vì vậy Chính phủ cần có nghiên cứu kỹ về địa hình, thổ nhưỡng để bố trí vốn cho phù hợp, tránh tình huống phức tạp về việc "đội vốn".
Liên quan tới vấn đề giải phóng mặt bằng và quan điểm hướng tuyến sẽ đi qua khu vực ít giải phóng mặt bằng để giảm chi phí, ông Tới cho rằng điều này là hợp lý, tuy nhiên nếu làm một tuyến cao tốc "bị cong thì không hay". Ông Tới đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ giải phóng mặt bằng và quy mô dự án liên vùng.
"Đã là chiến lược và đưa vào quy hoạch thì phải đúng tầm, cập nhật tầm nhìn khoảng 100 năm. Nếu như dự án nhỏ trong địa phương khi làm vướng di dời mặt bằng thì có thể điều chỉnh tránh. Nhưng dự án tầm quốc gia, Quốc hội quyết định thì cần nghiên cứu kỹ" - ông Tới cho biết thêm.
Nhận diện "điểm nghẽn" tại 2 thành phố lớn nhất nước
Thảo luận tại tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 TPHCM. Trong đó, ông Dũng cho biết dự án đường vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội đã được dự kiến đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020.
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km, đi qua địa phận Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (25,6 km và tuyến nối 9,7km). Từ những số liệu này, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, việc phân chia thành 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
"Giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công, vì thế chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó TP Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường" - ông Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin, hiện nay thành phố đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai.
"Việc triển khai thực hiện Dự án Vành đai 4 không chỉ giúp kết nối hạ tầng giao thông trong Vùng Thủ đô mà còn góp phần giải quyết những bất cập về giao thông, bảo vệ các di sản văn hóa, giải quyết cả những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài mà Thủ đô gặp phải" - đại biểu Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, dự án vành đai 4 giúp đột phá cả về cơ sở hạ tầng cũng phát triển nguồn nhân lực. Trong bối cảnh đang phục hồi, đầu tư công bao giờ cũng là phương thức kinh điển và hiệu quả nhất có thể kích hoạt nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, vừa kích hoạt được đầu tư toàn xã hội, vừa tạo ra được tăng trưởng, việc làm.
Ông Lộc cho biết, hiện nay năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp hạng khoảng dưới 70/140 nước trên thế giới, song cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta xếp khoảng hơn 100.
"Như vậy chất lượng hạ tầng, cơ sở giao thông của chúng ta đang là điểm nghẽn, yếu nhất trong chỉ số môi trường kinh doanh. Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới, trước hết là hệ thống đường cao tốc. Nếu so sánh với các nước xung quanh, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta" - đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho rằng điểm nghẽn lớn nhất về giao thông nằm ở chính TPHCM và Hà nội - những trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội nói thêm, triển khai các dự án vành đai 3, vành đai 4 là rất cần thiết. Việc xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối Hà Nội, TPHCM với các địa phương xung quanh là điểm rất quan trọng để tăng cường liên kết vùng, tạo ra sự lan tỏa cũng như mở rộng không gian phát triển.
Dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, trong đó, đoạn đi qua địa phận Hà Nội dài 58,2km, Hưng Yên dài 19,3km, Bắc Ninh dài 25,6km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 85.800 tỷ đồng (giai đoạn 1).
Dự án vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.300 tỷ đồng, bao gồm 38.700 tỷ từ ngân sách trung ương và 36.600 tỷ ngân sách địa phương.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km qua 4 tỉnh/thành, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư 3 tuyến đường cao tốc khoảng 84.463 tỷ đồng.