1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ đăng đàn QH về giáo dục

“Mấy hôm nay tôi thường xuyên theo dõi các bài viết về độc quyền sách giáo khoa. Đây là câu chuyện tồn tại đã lâu trong ngành giáo dục. Ngày 7/11, tôi sẽ bày tỏ chính kiến trước Quốc hội về các vấn đề giáo dục trong đó có sách giáo khoa”, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Thời gian gần đây, không chỉ phụ huynh học sinh mà nhiều nhà khoa học đã lên tiếng đề nghị xoá bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa của NXB Giáo dục. Với cương vị bộ trưởng, ông nghĩ gì?

Tôi cho rằng, không cần đến nhà khoa học lên tiếng mà chỉ cần phụ huynh lên tiếng, cơ quan chức năng đã phải lắng nghe và xem xét. Hiện nay, tôi mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng và cũng chưa nắm rõ quy trình xuất bản sách giáo khoa. Ngày 6/11, tôi sẽ trực tiếp nghe các đơn vị trong bộ báo cáo về vấn đề này. Các đơn vị này phải giải thích cho tôi, cơ chế xuất bản hiện nay có ưu việt gì, có nên tiếp tục duy trì hay không?

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngành gì độc quyền sau khi bị xoá bỏ, chuyển sang cạnh tranh người dân đều được lợi. Tại sao chúng ta không cho đấu thầu in ấn sách, NXB Giáo dục cạnh tranh bình đẳng?

Thời gian qua, chúng ta đang tiến hành đổi mới chương trình sách giáo khoa, do đó NXB Giáo dục phải đáp ứng tiến độ cung cấp sách đảm bảo phục vụ học sinh kịp năm học mới. Khi chương trình sách giáo khoa ổn định, không còn mối lo sách không kịp năm học tình hình có thể sẽ khác.

Với tư cách là một nhà khoa học, quan điểm của riêng ông về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa như thế nào?

Theo tôi, nội dung chương trình sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục vẫn phải đảm nhiệm. Phần in ấn xuất bản thì một số ý kiến nói với tôi rằng, cách làm như hiện nay tốt hơn. Như vậy, rõ ràng tôi phải rà lại quy trình xuất bản sách giáo khoa xem có đúng như vậy không? 

Mấy hôm nay tôi vẫn theo dõi báo chí nói về độc quyền sách giáo khoa. Đây là vấn đề đã tồn tại lâu trong ngành giáo dục. Ngày 7/11 tới, tôi sẽ có Báo cáo trước QH về tình hình đội ngũ giáo viên và cán bộ quản ký giáo dục, đào tạo và dạy nghề (được truyền hình trực tiếp). Tại diễn đàn QH, tôi sẽ phát biểu chính kiến về các vấn đề giáo dục, trong đó có việc xuất bản sách giáo khoa.

Thời gian qua dư luận xôn xao về việc ngành chủ trương thực nghiệm thêm một bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới bên cạnh bộ sách hiện hành. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Bộ tài liệu Tiếng Việt này của Trung tâm Công nghệ giáo dục. Đây mới chỉ là đề tài nghiên cứu, sau đó còn phải nghiệm thu đề tài. Tôi xin khẳng định là Bộ chưa quyết định tài liệu này là sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất như quy định tại Luật Giáo dục. Các bạn cũng biết là không có loại sách giáo khoa nào có thể dùng mãi được. Sách giáo khoa đến lúc nào đó phải thay đổi, tuy nhiên phải có quy trình.

Theo Việt Anh
Vnexpress