1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giải trình việc quản lý 1.900 trang tin điện tử

(Dân trí) - Xác nhận tình trạng các trang thông tin điện tử tổng hợp hiện tại hoạt động tràn lan, sao chép, vi phạm bản quyền của các báo điện tử chính thống, dù đã có chấn chỉnh nhưng vẫn tiếp tục diễn ra, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng “nói lại”, trang tin điện tử cũng có vai trò nhất định, cần sử dụng sao cho tốt.

Sáng 17/11, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn tại Quốc hội.

 


Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn sáng 17/11.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn sáng 17/11.

 

Trên mạng ngập tin phản cảm, thiếu văn hóa...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son về việc quản lý thông tin trên mạng xã hội khi môi trường mạng đang ngập những video, clip, tin, bài phản cảm, thiếu văn hóa, nội dung đồi trụy, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ, vi phạm đến nhân quyền. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ những nguyên nhân khiến tình trạng trên chưa thể được khắc phục triệt để.

Liên quan nội dung này, đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) “dấn” thêm việc hiện có rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp sử dụng chiêu bài cắt - cóp, sao chép nội dung của các báo điện tử về làm tài nguyên của mình. Vấn nạn sao chép tràn lan, vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ như vậy làm cho độc giả khó phân biệt đâu là thông tin gốc, chính thống, có nguồn đảm bảo, đâu là “hàng” nhái giả, "chôm chỉa"?

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện tại, pháp luật đã có quy định rất rõ về vị trí, vai trò và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực truyền thông xã hội, trong đó có các trang thông tin điện tử. Các cơ quan quản lý nhà nước đã cấp phép cho hơn 1.900 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hiện cũng có hàng triệu trang blog cá nhân đang hoạt động.

“Các trang thông tin điện tử tổng hợp cũng có vai trò nhất định trong đời sống xã hội. Các trang tin điện tử này được trích dẫn nguyên văn các văn bản, các bài báo trên các mạng chính thống. Nếu sử dụng tốt hệ thống các trang tin điện tử thì đây cũng là cánh tay nối dài để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, là công cụ để trao đổi, giao lưu của người dân. Ngược lại, như tình trạng hiện nay, có bất cập nhất định trong hoạt động của các trang tin này, có hiện tượng lợi dụng phương tiện truyền thông xã hội để vi phạm pháp luật như vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền tự do của người khác… mà nhà nước đã có chấn chỉnh, xử phạt, răn đe nhất định nhưng hiện tượng vẫn tiếp tục diễn ra” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son xác định, tồn tại này thuộc trách nhiệm của Bộ TT-TT.

Bộ trưởng thông tin thêm, hiện Bộ đã ban hành Thông tư 04, Thông tư 20 để hướng dẫn thực hiện Nghị định 72 của Chính phủ về việc sử dụng truyền thông xã hội, trong đó quy định chế tài cụ thể điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử.

Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng sẽ thực hiện mốt số giải pháp để chấn chỉnh các hoạt động này bằng các công cụ pháp luật. Đến nay, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã thu hồi giấy phép của một số trang tin điện tử tổng hợp cũng như người vi phạm (theo quyết định được ký ngày 6/11 vừa qua).

Theo Bộ trưởng Bắc Son, việc khác cần làm là nâng cao, ràng buộc trách nhiệm của người đã cấp phép hoạt động cho các trang thông tin điện tử tổng hợp khi có hành vi vi phạm của đơn vị được cấp phép. Chính quyền địa phương cũng có vai trò quan trọng trong khâu này, như việc Hà Nội, TPHCM thời gian qua đã làm để cùng Bộ TT-TT xử lý nhiều trường hợp vi phạm cụ thể.

Chốt lại, người đứng đầu ngành TT-TT đặt vấn đề, nhiệm kỳ này Quốc hội chưa làm được thì cũng cần xác định nhiệm kỳ sau nhất định phải nâng Nghị định 72 lên thành luật để thêm cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc quản lý lĩnh vực này.

"Có phải đại biểu không đọc luật?"

Về vấn đề hạ tầng viễn thông thụ động, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề cập việc xây dựng các cột thu phát sóng viễn thông trong khu dân cư gây phản cảm, mất mỹ quan, nguy hiểm. Đại biểu Phương đưa ra trước Quốc hội nhiều hình ảnh về những cột thu phát sóng ken dày trên các nóc nhà, có cột đã đổ, sập cả một góc căn nhà bên cạnh.

 


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương truy vấn đề cột viễn thông ken dày trong khu dân cư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương "truy" vấn đề cột viễn thông ken dày trong khu dân cư.

 

Bộ trưởng TT-TT trả lời, thời gian qua, xã hội mới chỉ chú ý về những mặt trái, mặt chưa tốt trong khi kết quả ngành viễn thông đạt được rất quan trọng. Ngành TT-TT đã có bước phát triển rất đột phá, là một trong những ngành đi đầu, hội nhập nhanh sâu rộng.

Hiện tại, gần như 100% người dân đều dùng hệ thống viễn thông “made in Viet Nam”, Bộ trưởng Bắc Son nhấn mạnh, đó là một kết quả mà không có ngành kinh tế nào sánh được. Trong 10 tháng qua, doanh thu toàn ngành TT-TT đạt 280.000 tỷ đồng với lợi nhuận khoảng 40.000 tỷ, đóng góp nhà nước 19.800 tỷ.

Để đem lại hiệu quả này, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải có hệ thống viễn thông thụ động là các cột thu phát sóng như đại biểu đề cập. Trước đây, chưa có quy hoạch nên việc lắp đặt các cột thu phát sóng gây phản cảm và không đảm bảo an toàn, an ninh. Tuy nhiên, đến nay, Bộ TT-TT đã tham mưu để ban hành Luật viễn thông, ban hành nghị định hướng dẫn thi hành hạ tầng viễn thông thụ động để khắc phục tình trạng phản cảm, mất an ninh an toàn cho người dân.

“Có phải đại biểu không đọc luật, không đọc nghị định, không đọc thông tư nên không biết hạ tầng này được quy định là cắm trên nóc nhà? Tất cả các cột thu phát này phải nằm trong khu dân cư mới phục vụ được nhu cầu người dân” – Bộ trưởng TT-TT đáp lại truy vấn của đại biểu.

Người đứng đầu ngành cũng thông tin, hiện có 1.400 trạm hạ tầng viễn thông nằm trong khu dân cư, sử dụng cột ăng ten loại A1, gọn nhẹ, cao ko quá 2% chiều cao toà nhà và đảm bảo an toàn cho người dân. Cũng theo luật định, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế… cũng phải dành diện tích nhất định để bố trí cho hệ thống cột viễn thông này.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: “Không thể nói nhà nước đang buông lỏng quản lý vấn đề này. Từ năm 2012 đến nay, việc này đã được thay đổi, khắc phục. Và việc cắm cột thu phát sóng trên nóc nhà, trong khu dân cư là theo luật định, không thể nói là bất hợp lý”.

Ngoài ra, Bộ trưởng  TT-TT cũng trích dẫn thông tin Tổ chức Y tế thế giới công bố, tần số hoạt động của mạng điện thoại di động không phải gây ra hiện tượng ion hoá, điện từ hoá, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Bộ trưởng đề nghị đại biểu Quốc hội chia sẻ, ủng hộ cho sự phát triển của hạ tầng viễn thông – một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

P.Thảo