1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thuận thiên không phải thả nổi, không làm gì

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thuận thiên không phải thả nổi, không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát.

"Thuận thiên không phải là không làm gì cả"

"Nghe nói Cà Mau xa lắm/Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới/Về để nói với nhau mấy lời…", Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan mở đầu như vậy tại Hội nghị quốc gia Huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diễn ra ngày 21/3 tại tỉnh Cà Mau.

Và Bộ trưởng chia sẻ, ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, với lúa gạo, thủy sản, trái cây đã đi tiêu thụ khắp nơi trên thế giới. Con người đồng bằng chân chất, hào sảng, khí phách, mở cõi ngày nào, giờ đây đang tiếp tục con đường đưa đồng bằng "cất cánh".

Mặc dù chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu nhưng người đồng bằng vẫn đứng vững, vượt lên giống như câu chuyện "cây lúa mùa nước nổi". Nước lên tới đâu, cây lúa vẫn tiếp tục vươn lên phát triển, đó là tượng trưng cho nghị lực của người đồng bằng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thuận thiên không phải thả nổi, không làm gì - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.V).

Chia sẻ về nông nghiệp thuận thiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc huy động nguồn lực cho nông nghiệp thuận thiên không phải là câu chuyện hữu hình hay kinh tế, mà còn là câu chuyện lịch sử, văn hóa, xã hội; không phải là câu chuyện chỉ hôm nay mà của cả thế hệ mai sau.

"Tôi mong muốn chúng ta hiểu, trăn trở được câu chuyện nông nghiệp thuận thiên, dù những mô hình nông nghiệp thuận thiên chưa đủ lớn trở thành hàng hóa nhưng mang ý nghĩa lịch sử từng được chắt chiu, trân quý. Có lẽ câu chuyện nông nghiệp thuận thiên rồi sẽ được cụ thể hóa thành giáo trình cho học sinh của Đồng bằng sông Cửu Long", ông Hoan nói.

Theo ông Lê Minh Hoan, thuận thiên không phải là thả nổi, không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.

"Trên lúa dưới cá, dưới tôm trên rừng, những mô hình này đã làm sống dậy một thời sản xuất nông nghiệp thuận thiên trên mảnh đất Nam bộ. 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long hãy cùng bắt tay làm một cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng", Bộ trưởng Hoan kêu gọi. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng mong muốn bạn bè quốc tế hãy đến với ĐBSCL để hiểu hơn về con người nơi đây và cùng rung động, hòa cùng nhịp đập của gần 20 triệu trái tim người đồng bằng trong quá trình vượt lên thách thức biến đổi khí hậu.

Cần cơ chế "hết sức đặc thù" cho vùng ĐSBCL

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết ĐBSCL chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu như ngập lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Dự báo trong 50 năm tới, khoảng 47% diện tích vùng sẽ bị ảnh hưởng bởi độ mặn 4%o.

Mỗi năm ĐBSCL sạt lở mất 500ha đất ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời. Toàn vùng còn 561 điểm sạt lở bờ sông, biển với tổng chiều dài khoảng 810km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 63 điểm/204km cần được xử lý với kinh phí hơn 13.640 tỷ đồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thuận thiên không phải thả nổi, không làm gì - 2

Mô hình lúa - tôm được đánh giá cao trong nông nghiệp thuận thiên (Ảnh: H.H).

Theo ông Sử, nước ở ĐBSCL chủ yếu từ thượng nguồn sông Mekong cung cấp khoảng 450 tỷ m3, còn lại là nước mưa khoảng 22 tỷ m3. Việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản.

"Thực tế trên đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long", ông Sử nói.

Phó Chủ tịch Cà Mau cho biết, thời gian qua các địa phương trong vùng đã triển khai nhiều giải pháp thuận thiên như: Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao; mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống điện năng lượng mặt trời;…

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú, chia sẻ một trong những mô hình thuận thiên trong nuôi tôm đó là tôm - lúa. Theo ông, mô hình này có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch 5-8 tấn lúa và 300-1.000kg tôm.

"Mỗi năm thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỷ đồng/năm/ha nếu canh tác thành công", ông Quang nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thuận thiên không phải thả nổi, không làm gì - 3

Quang cảnh hội nghị huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL (Ảnh: H.V).

Đề xuất các giải pháp, theo Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, Chính phủ cần ban hành cơ chế tài chính và chính sách đặc thù, ưu tiên cho vùng ĐBSCL.

Ông Sử ví dụ, các quy định của luật có liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ biển còn nhiều bất cập, chồng chéo, muốn sửa cần phải có thời gian. Trong khi đó, sạt lở không chờ chúng ta ngày nào, kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện các dự án theo cơ chế "hết sức đặc thù" cho ĐBSCL trong xử lý thiên tai.

Theo bà Loren Mayor, Giám đốc điều hành Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), phát triển nông nghiệp thuận thiên cần sự tham gia của cả xã hội, hệ sinh thái từ Trung ương đến địa phương, các đối tác quốc tế, doanh nghiệp tư nhân,... và đặt người nông dân vào trung tâm để thúc đẩy phát triển.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, cho rằng ĐBSCL có thể tránh được nguy cơ bị thu hẹp và chìm dần vào cuối thể kỷ này nếu chu trình sinh thái của đồng bằng và sự kết nối từ sông tới các vùng đồng bằng ngập lũ được duy trì.

"Phục hồi mùa lũ là việc quan trọng với tương lai của đồng bằng. Nước lũ mang trầm tích và bồi đắp cho đồng bằng, làm tăng độ phì nhiêu, độ cao của đất, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cũng như hỗ trợ tái sinh rừng ngập mặn", ông Thịnh chia sẻ.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên; phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL; cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho ĐBSCL, đặc biệt lưu ý về ưu đãi lãi suất và điều kiện cho vay đối với các dự án nông nghiệp đầu tư công.

Thông qua hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV,..., các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin, kinh phí huy động nguồn lực dành cho nông nghiệp thuận thiên ĐBSCL đến nay khoảng 600 triệu USD. Ngân hàng Thế giới cũng đang xem xét hỗ trợ đề án 1 triệu hecta lúa với kinh phí khoảng 400 triệu USD;...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm