1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói gì về vụ “cậu” Thủy tìm hài cốt liệt sĩ?

(Dân trí) - “Nhận thấy dấu hiệu không yên tâm ở Quảng Trị, tôi đã yêu cầu tất cả hài cốt tìm thấy phải được giám định ADN. Khi giám định mẫu vật đó không phải là xương người, tôi đã đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nói.

Bên lề buổi thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với báo chí những lùm xùm liên quan đến vụ nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu” Thủy) tìm hài cốt liệt sĩ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với báo chí sáng 31/10
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi với báo chí sáng 31/10

Ngân hàng Chính sách Xã hội rót hàng tỉ đồng cho “cậu Thủy tìm hài cốt liệt sĩ nhưng không xin ý kiến Cục Người có công, bà nghĩ sao về vấn đề này?

Khi tổ chức, cá nhân phát hiện hài cốt liệt sĩ phải phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị quốc phòng ở đó chứ không phải là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong Nghị định Chính phủ quy định Bộ Lao động làm nhiệm vụ tiếp nhận và đưa hài cốt vào các nghĩa trang. Do vậy, khi phát hiện ở các địa phương như Đắk Lắk, Bình Phước, lẽ ra Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng với chính quyền địa phương cũng như cơ quan quân sự ở đó làm. Tôi tin các anh (Ngân hàng Chính sách Xã hội - PV) có làm rồi, còn địa phương và cơ quan quân sự ở đó đồng ý như thế nào rồi thì các anh mới tiếp tục làm.

Nhưng khi phát hiện sự việc ở Quảng Trị có những dấu hiệu không yên tâm, chúng tôi có văn bản yêu cầu tất cả những hài cốt đã tìm thấy dứt khoát phải giám định ADN. Sau khi có những cơ sở để khẳng định những mẫu vật ấy không phải là xương người, chúng tôi cho rằng cần phải yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ. Và tháng 8 vừa qua, tôi đã có văn bản đề nghị cơ quan an ninh của Bộ Công an xem xét sự việc.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ vụ việc. Yêu cầu đó đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thế nào?

Khi phát hiện ra các hiện tượng đó, từ tháng 7/2011, tôi có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ: phát hiện ra hài cốt liệt sĩ phải báo cáo với chính quyền, lực lượng quân đội địa phương. Trường hợp làm rởm như việc “cậu” Thủy vừa rồi báo chí nêu, bản thân tôi có công văn đề nghị cơ quan an ninh Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ. Còn quan điểm của chúng tôi là phải sớm làm ra và xử lý nghiêm.

Hiện tại, theo quy định phân công của Chính phủ, bên Bộ Quốc phòng thực hiện đề án tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã được Chính phủ phê duyệt, chúng tôi có công văn xuống các địa phương yêu cầu tất cả các hài cốt liệt sĩ tìm được (ngoài kênh của lực lượng quân đội) đưa về địa phương dứt khoát phải làm giám định ADN. Khi ADN có kết quả chính xác mới được làm lễ truy điệu và đưa các anh vào nghĩa trang.

Không chỉ “cậu Thủy, hiện nay trên cả nước có rất nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm để lừa gia đình thân nhân liệt sĩ trục lợi trong việc truy tìm hài cốt, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương là nguyện vọng chính đáng của gia đình liệt sĩ cũng như toàn thể xã hội. Ngoài việc giao cho Bộ Quốc phòng, Chính phủ cũng đồng ý cho các tổ chức, cá nhân làm việc này, tuy nhiên khi phát hiện được phải báo cáo với chính quyền địa phương cũng như cơ quan quân sự ở đó phối hợp làm.

Thế nhưng, thực chất đã có một bộ phận trục lợi việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tôi nghĩ rằng để làm tốt việc này chắc chắn phải tuyên truyền để người thân liệt sĩ cảnh giác với các đối tượng có ý trục lợi. Còn đối với bất kể đối tượng nào khi trục lợi trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Xin cảm ơn bà Bộ trưởng!

Quang Phong (ghi)