Bộ trưởng KH-CN: “Gợi ý của đại biểu chính là đề xuất của tôi mấy năm trước”
(Dân trí) - Được đại biểu hỏi ý kiến về gợi ý dành 1 USD/tấn tôm xuất khẩu để làm quỹ khoa học công nghệ nghiên cứu tiếp về con tôm, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân cười xòa khẳng định ủng hộ ý tưởng này vì gợi ý của đại biểu chính là đề xuất của ông ít năm trước…
Không “bác” thẳng nhận định của đại biểu Cường, Bộ trưởng Nguyễn Quân đi vào dẫn chứng cụ thể. Ông Quân giới thiệu, Viện lúa ĐBSCL đã tạo ra được rất nhiều giống lúa có giá trị, là Viện nghiên cứu lúa xếp hạng hàng đầu thế giới, cạnh tranh với Viện nghiên cứu của Phippines.
Vấn đề các giống lúa gạo Việt Nam, do chưa được tổ chức theo mô hình sản xuất lớn và gạo Việt phải cạnh tranh quá lớn với các nước lân cận khi họ có nguồn gen tốt và có những giống lúa lai hiệu quả nên vẫn thua kém về giá trị trên thị trường. Nông dân Việt Nam có khó khăn là ruộng đất nhỏ lẻ, tiềm lực yếu nên không thể đủ vốn đầu tư mua những giống lúa tốt, tổ chức sản xuất chưa tập trung, chuyên nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội: “Tôi không đồng tình với việc Bộ trưởng so sánh với nước ngoài về thu nhập bình quân đầu người. Ta nghèo thì ta có “kiểu chơi” của người nghèo chứ, mà chưa chắc cách nào hiệu quả hơn cách nào. Nhà nước đã cố gắng dành 2% ngân sách cho hoạt động KHCN, đó đã là một sự xác định ưu tiên nhưng vấn đề là khoản đầu tư này lại dùng không hết, chi không hết. Cơ chế quản lý nhà nước về KHCN thì lại còn rất nhiều bất cập nên như đại biểu đề cập là phải nói dối để có được đề tài, để được chi tiền làm đề tài của mình”. |
“Chúng tôi tin trong một vài năm nữa sẽ có được những sản phẩm ấn tượng của mình” – ông Quân quả quyết.
Nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh khác, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TPHCM) dẫn lại phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát tại Quốc hội hôm qua là Bộ sẽ cho nhập nhiều giống cây trồng và vật nuôi cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Bà Trang yêu cầu Bộ trưởng Quân nêu quan điểm tự đánh giá thế nào về năng lực sản xuất giống phục vụ nông nghiệp trong nước.
Ông Quân khẳng định đã làm giống rất tốt, nhất là giống thuỷ sản. Việt Nam đã làm được những giống thuỷ sản mà trước đây nghĩ là không thể làm, tiêu biểu như giống cá tầm, cá hồi – những loài cá nước lạnh mà giờ ở xứ nhiệt đới, Việt Nam cũng đã nuôi được.
Ông Quân trình bày, việc nghiên cứu sản xuất giống của Bộ KH-CN được thực hiện thông qua quỹ gen. Hàng năm, dù được cấp kinh phí không lớn nhưng Bộ cũng đã giao được cho các Bộ một phần vốn bảo tồn quỹ gen để song song với việc nhập khẩu có thể làm chủ được nguồn gen của nước ngoài.
Dù vậy, việc phát triển quỹ gen, ông Quân cũng xác nhận là thực sự chưa tốt nhưng trách nhiệm chính ở đây, theo Bộ trưởng KH-CN là của… Bộ Nông nghiệp.
Vấn đề quan trọng hơn, theo Bộ trưởng KHCN, là làm sao đưa giống tốt trở thành sản phẩm xã hội. “Chúng tôi có trách nhiệm là chưa làm cho DN yên tâm, tự tin để rót vốn đầu tư, đưa những kết quả nghiên cứu giống ra thành sản phẩm xã hội” - ông Quân nhận trách nhiệm.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) dấn thêm một bước, mở rộng ra vấn đề cơ chế trong mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước– nhà DN – nhà khoa học – nhà nông. Bà Hạnh nhận xét, vai trò của nhà khoa học nhiều năm qua không để lại dấu ấn trong mối liên kết 4 nhà, hàm lượng KHCN trong các sản phẩm chưa cao. Bà Hạnh muốn Bộ trưởng KHCN lý giải những nguyên nhân khó khăn, cản trở trong mô hình liên kết?
Một lần nữa, Bộ trưởng KHCN dẫn chiếu đến Bộ Nông nghiệp. Ông Quân nói, quan điểm của cá nhân không khác so với phát biểu của Bộ trưởng Nông nghiệp khi cho rằng nhà doanh nghiệp giữ vai trò trọng yếu trong mối liên kết này. Theo ông Quân, quan trọng nhất phải là nhà nước chứ không phải nhà DN vì nếu không có sự điều phối, đảm bảo của nhà nước thì việc huy động các nhà kia đều rất khó.
Bộ trưởng Quân lại dẫn chứng bằng mô hình tổ chức sản xuất tại Công ty Bảo vệ thực vật An Giang mà ông đánh giá là mô hình 4 nhà tốt nhất hiện nay. Ông Quân đã từng mời Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội vào An Giang để chứng kiến một “hợp tác xã” với 1.200 kỹ sư mà mỗi người là bạn với một vài hộ nông dân, hướng dẫn, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn. Trong đó, nhà nước là UBND tỉnh đóng vai trò điều phối, quan tâm, tạo điều kiện để công ty hoạt động, nhà nông có đất đai, công cụ sản xuất, nhà DN bao thầu hết cả các khâu sản xuất, tiêu thụ, nhà khoa học đi cùng người sản xuất đến từng bước thực hiện.
Ông Quân nhấn mạnh, nếu ở đâu cũng triển khai tốt như thế thì không cần băn khoăn với mô hình 4 nhà. Như vậy thì có thể hoàn toàn yên tâm, không còn lo hiện tượng được mùa mất giá, nông sản bị ép giá, rớt giá như hiện nay…
Được yêu cầu đi thẳng vào vấn đề vai trò của nhà khoa học trong mối liên kết này, ông Quân đáp: “Nhà khoa học phải nằm trong lòng doanh nghiệp, nghiên cứu cùng với doanh nghiệp, chỉ nghiên cứu những gì doanh nghiệp cần chứ không phải nghiên cứu những gì mình thích. Cái tôi lo nhất là nguồn lực của các doanh nghiệp hiện nay không đến được với các nhà khoa học”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong (Cần Thơ) gợi ý cách để đẩy nhanh tiến trình ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất. Ông Phong kể, đã từng nghe một người đặt vấn đề, nếu mỗi tấn tôm, cá xuất khẩu dành lại 1 USD cho hoạt động nghiên cứu khoa học thì năm sau sẽ có được hơn rất nhiều tấn tôm, cá như thế. Điều đó cũng có nghĩa với 10 triệu tấn tôm xuất mỗi năm, cả nước có được 1 triệu USD để đầu tư tiếp cho nghiên cứu con tôm. Bộ trưởng nghĩ thế nào về ý tưởng này?
Ông Quân cười xoà: “Ý kiến dành 1 USD từ xuất khẩu 1 tấn tôm, cá chính là để xuất của tôi mấy năm trước”.
Bộ trưởng KH-CN phân tích thêm, hướng huy động nguồn lực này cũng đúng với lúa hay bất cứ loại nông sản nào khác. Nếu 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu/năm mà mỗi tấn dành tại 1 USD thì một năm Việt Nam có 7-8 triệu USD tương đương 170 tỷ đồng để đầu tư lại cho khoa học, mức vốn cao hơn nhiều so với khoảng 30 tỷ đồng dành cho Viện lúa ĐBSCL hàng năm.
Với câu hỏi của đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) về công nghệ đóng tàu vỏ composite, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định Bộ KHCN đã cấp chứng nhận kỹ thuật cho sản phẩm nhưng Bộ GTVT vẫn chưa đăng kiểm cho tàu để có thể hoạt động. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng báo cáo thêm vấn đề này. Bộ trưởng Thăng cho biết, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho tàu làm bằng vật liệu PVC, ở nước ngoài cũng chưa tìm được quy chuẩn này. Vì vậy, hiện nay, Bộ GTVT đang đốc thúc xây dựng, hoàn thành bộ quy chuẩn thử nghiệm theo yêu cầu của Bộ KHCN. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng "chia lửa" với người đồng cấp trong lần đầu Bộ trưởng Nguyễn Quân lên "ghế nóng" (ảnh: Việt Hưng). Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho DN đóng tàu, Bộ GTVT đã phối hợp với công ty thử nghiệm với 2 con tàu đóng bằng vật liệu mới. Trong tháng 6 này, Bộ sẽ thực hiện đăng kiểm thử nghiệm phối hợp với cấp chứng nhận thuyền viên luôn cho một con tàu kiểu này. Tóm lại, Bộ trưởng Thăng khẳng định hoan nghênh, khuyến khích việc đóng tàu bằng vật liệu mới nhưng phải trên cơ sở thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm của Việt Nam. Bộ trưởng GTVT cũng giải thích thêm cho việc triển khai thận trọng để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra khi tàu của công ty này đóng từng gây tai nạn, chết người nên hiện giám đốc DN đang bị bắt. |
P.Thảo