1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tâm tư vì những thứ xã hội cần mà luật vẫn… bó

(Dân trí) - Dẫn chứng việc người Việt ồ ạt sang Thái Lan, Singapore chuyển giới vì luật dân sự mới chỉ cho xác định lại giới tính; việc đề xuất chấp nhận hôn nhân đồng giới sớm bị gạt ngang, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xác nhận “bản thân cũng tâm tư”.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường là người chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Ngày 13/11, Quốc hội dành thời gian cho các đoàn đại biểu thảo luận về nội dung này.

Sau khi nghe góp ý của các đại biểu trong tổ thảo luận, tại đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đặt ra khi sửa Bộ luật Dân sự.

Ông Cường nhấn mạnh ý nghĩa của Bộ luật Dân sự - 1 trong 2 Bộ luật quan trọng nhất phải xây dựng sau khi có Hiến pháp mới (cùng với Bộ luật Hình sự), để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp trong lĩnh vực luật tư. Theo đó, luật dân sự mang tính bao trùm rất rộng lớn.

Chính phủ đặt ra yêu cầu, cũng giống như những nước chuyển đổi thôi, chẳng riêng gì Việt Nam, vì bộ luật Dân sự này là dân sự, là thương mại, là kinh doanh, hàng hóa cho nên phải tiếp cận gần nhất đến thể chế kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi trước Quốc hội.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi trước Quốc hội.

Bộ trưởng Tư pháp chí sẻ, điều tâm tư lớn nhất của tập thể của ban soạn thảo, Chính phủ và cả Quốc hội là phải làm sao để một bộ luật lớn như thế này, không thể cứ mười năm lại sửa một lần. (Bộ luật Dân sự Việt Nam đã qua 2 lần sửa toàn diện, mỗi lần có “tuổi thọ” 10 năm là lần xây dựng năm 1995 và năm 2005).

Theo Bộ trưởng Tư pháp, giờ thêm một lần sửa bộ luật, môi trường pháp lí, đầu tư kinh doanh, cuộc sống người dân lại bị đảo lộn. “Cũng có người nói với tôi là thà là sai làm trong ¼ thế kỉ, còn hơn là sai lầm trong nhiều thế kỉ nữa” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Nhắc lại nguyên tắc “việc dân sự cốt ở 2 bên”, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ quan điểm khi sửa Bộ luật lần này là việc gì luật không cấm thì phải để xã hội, để người dân làm, tự điều chỉnh.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhắc lại cuộc tranh luận về việc có công nhận cho chuyển đổi giới tính hay không. Trong nước cấm, không cho phép thì người ta vẫn ùn ùn sang các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Campuchia… để làm. Mà việc này dẫn đến hệ quả, người chuyển giới về nếu vi phạm pháp luật, cần bắt tạm giam, tạm giữ cũng không biết phải giam họ ở đâu, ở khu vực nữ hay nam.

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế đó nhưng khổ nỗi Bộ luật dân sự hiện hành mới chỉ cho phép xác định lại giới, chuyển giới vẫn là lãnh địa… khác lạ” – ông Cường nói.

Thêm một dẫn chứng khác là từ quá trình sửa luật Hôn nhân - Gia đình vừa qua, ông Cường không giấu thất vọng, cơ quan soạn thảo mới chỉ đưa ra những vấn đề nhỏ như có chấp nhận hôn nhân đồng giới không mà “thò ra thụt vào” mãi, cuối cùng khi luật được thông qua, phạm vi điều chỉnh cũng bị teo đi nhiều.

Bộ trưởng Tư pháp thoáng thở dài: “Tôi chỉ sợ xã hội không chấp nhận thôi chứ đã chấp nhận, luật không cấm thì phải để cho người dân được làm. Chúng tôi tâm tư nhất vấn đề đó”.

Ông Cường trở lại chuyện sửa bộ luật Dân sự thời điểm này rất khác so với thời điểm năm 1995, khi mà hàng trăm luật chuyên ngành chi tiết đã định hình, không phải chỉ vài ba chục luật. Bộ trưởng Tư pháp xác nhận, đó cũng là bối cảnh phải tính toán để việc sửa luật thấu đáo.

“Có đại biểu nói rất đúng là cuộc sống phải đẻ ra luật, không có luật thì loạn mất. Nhưng trong lĩnh vực dân sự này luật càng ít thì khoảng không tự do của con người càng nhiều. Luật càng nhiều càng cụ thể thì càng bó sự tự do của con người” – ông Cường nói.

Trả lời thêm một số câu hỏi đại biểu đặt ra, như việc áp dụng tập quán hay không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích, Bộ luật Dân sự hiện hành đã quy định việc này nhưng chưa lý giải cụ thể nên cần bổ sung hướng giải thích rõ ràng về tập quán, nhất là trong hoạt động thương mại. Không thể làm ngơ vấn đề tập quán trong quan hệ dân sự là quan điểm của Bộ trưởng Tư pháp.

Về các khái niệm mới đưa ra trong dự thảo luật khiến nhiều đại biểu nghi ngại như “vật quyền”, “trái quyền”, “hành vi pháp lý dân sự”, “địa di”… ông Cường lập luận, để hội nhập thì sử dụng các thuật ngữ này nêu ra ở nơi nào cũng hiểu ngay, không dẫn đến xung đột về mặt luật pháp. Những giáo trình luật đầu tiên của Việt Nam cũng đều dùng những thuật ngữ này. Như việc chuyển san dùng khái niệm “hành vi pháp lý dân sự” cần phải thay cho từ “giao dịch dân sự” đang sử dụng hiện nay vì chuẩn hơn, bao quát hơn, chỉ cả những hành vi đơn phương chứ không chỉ là hoạt động của hai hay nhiều bên.

“Chính phủ trình phương án chuẩn hóa này nhưng Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ cả 2 phương án, thay đổi và giữ như hiện tại để Quốc hội quyết định. Nhưng theo tôi, thà rằng ¼ thế kỷ nữa chúng ta lúng túng, đi lạc những khái niệm đó còn hơn chúng ta sẽ mãi mãi lạc” – ông Cường diễn giải.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm