1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng đã nhận sai, xử lý trách nhiệm thế nào?

(Dân trí) - Nhìn thấy rõ “lỗi điều hành, sao không quy được trách nhiệm cho Bộ trưởng nào cụ thể? Bộ trưởng làm sai, đã phải nhận lỗi, Chính phủ có chế tài xử lý trách nhiệm thế nào? Bộ trưởng nhận trách nhiệm xong, nhiệm kỳ sau chất vấn lại… vẫn thế?...

Đó là hàng loạt câu hỏi các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chiều 15/6. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là người được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủy quyền đăng đàn để giải trình rõ hơn về những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến công tác của các Bộ trưởng đã được chất vấn trước đó.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) băn khoăn về việc xác định trách nhiệm các Bộ trưởng qua các phiên chất vấn. Theo đó, có rất nhiều vấn đề nhìn thấy rõ “lỗi” điều hành mà không quy được trách nhiệm cụ thể do Bộ trường này hay tư lệnh kia. Đại biểu muốn biết giải pháp của Chính phủ để các Bộ trưởng – Tư lệnh ngành “đóng tốt vai” của mình.

Đề cập đến tư duy nhiệm kỳ, đại biểu Mai Hoa cũng nhận xét, câu chuyện này đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp dẫn tới cắt khúc trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư... “Làm sao để hạn chế, tiến tới bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, cấp” - nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp chất vấn.


Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: Bộ trưởng nhận trách nhiệm xong vẫn không có chuyển biến gì, thậm chí nhiệm kỳ sau chất vấn vẫn thế.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Bộ trưởng nhận trách nhiệm xong vẫn không có chuyển biến gì, thậm chí nhiệm kỳ sau chất vấn vẫn thế".

Tiếp nối ý kiến này, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận xét, qua phiên chất vấn kỳ này, có đại biểu cho rằng Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này, lĩnh vực khác đã làm rất tốt nhưng cũng còn nhiều việc các Bộ trưởng “lỏng tay” và ở những vấn đề tồn tại đó, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Bà Tâm đặt câu hỏi: “Chính phủ có chế tài xử lý trách nhiệm với những Bộ trưởng có sai, đã phải nhận lỗi thể nào làm gương để tránh tình trạng, có Bộ trưởng sau khi nhận trách nhiệm đã hành động để tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực điều hành nhưng cũng có Bộ trưởng nhận trách nhiệm xong… vẫn thế, thậm chí nhiều nhiệm kỳ sau chất vấn lại vẫn vậy?”.

Loạt câu hỏi đặt ra về việc quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm với các tư lệnh ngành, hầu hết, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chưa kịp trả lời.

Ông chỉ nói khái quát, về việc phân định trách nhiệm của Bộ trưởng hay lãnh đạo địa phương trong những tình huống nhất định, nguyên tắc là một việc chỉ giao cho một cơ quan để tránh chồng chéo. Chính phủ cũng tăng cường việc phân cấp cho địa phương để Bộ, ngành không ôm đồm việc, dành thời gian tập trung xây dựng thể chế, thực hiện giám sát.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Phó Thủ tướng dành thời gian trả lời về việc khắc phục tư duy nhiệm kỳ.

“Người cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm. Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình, với kỳ vọng của người dân. Chính phủ phục vụ, kiến tạo đòi hỏi cán bộ, lãnh đạo các ngành các cấp phải hành động trên tinh thần đó” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, những trường hợp cán bộ đại biểu đề cập như vậy là không xứng đáng. Để những người không xứng đáng lọt vào hệ thống có thể xuất phát từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm chưa đúng chuẩn. Việc này cần rút kinh nghiệm.

“Còn tư duy nhiệm kỳ có thể nói cũng rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể vì để lấy phiếu, vì mục đích nhắm tới nhiệm kỳ sau hoặc có thể cán bộ thấy hết nhiệm kỳ rồi thì không quyết tâm, nỗ lực trong công việc. Chính phủ sẽ tăng cường xây dựng thể chế, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý nghiêm minh” – Phó Thủ tướng trả lời.

P.Thảo