Phó Thủ tướng: Tư duy nhiệm kỳ có thể "giấu" nhiều mục đích

(Dân trí) - Chiều 15/6, trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa về tư duy nhiệm kỳ cũng như trách nhiệm của các Bộ trưởng qua các phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chia sẻ, người cán bộ nếu có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng với kỳ vọng của người dân. “Tinh thần nhiệm kỳ có thể nói cũng rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể vì để lấy phiếu, vì mục đích nhắm tới nhiệm kỳ sau…”.

Chủ tịch Quốc hội khái quát, trong buổi chiều nay đã có 34 đại biểu chất vấn. Phần trả lời các đại biểu còn lại sẽ được các thành viên Chính phủ giải đáp bằng văn bản. Phiên chất vấn với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khép lại.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham gia trả lời chất vấn trong khoảng 10 phút.

Ông Huệ nhắc ý kiến của đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) là GDP tăng thấp có giảm chi tiêu không? Ông Huệ cho rằng, năm vừa rồi GDP tăng thấp nhưng thu ngân sách lại cao do thu dầu thô tăng khá khi giá dầu đi lên.

Thực tế, từ trước đến nay, khi có dấu hiệu giảm thu, các địa phương đều có nỗ lực giảm chi nhưng nhiều trường hợp thu ngân sách thấp nhưng chi lại vẫn theo dự toán, thậm chí tăng cao hơn dự toán nên bội chi vọt lên.

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 để cơ cấu lại thu chi ngân sách, tiết kiệm chi, chỉ vay để đầu tư, vay trong khả năng trả nợ… Những khoản chi không cần thiết như lễ tân, tiếp khách, đi nước ngoài… Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia lửa với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. (Ảnh: Cấn Cường)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ "chia lửa" với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. (Ảnh: Cấn Cường)

Tăng trưởng tín dụng đi đâu? - Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích, không chỉ vốn tín dụng ảnh hưởng đến tăng trưởng. Gần đây, tăng trưởng tín dụng giảm đi, chỉ 16-18% nhưng tăng trưởng vẫn hơn 6%, như vậy là chất lượng tăng trưởng tăng lên.

Hiện các giải pháp vẫn phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng trên 18% nhưng phải kiểm soát đường đi, đưa tín dụng vào các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tránh đổ vào bất động sản làm phát sinh hiện tượng bong bóng.

- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề cập hiện tượng khai thác cát trái phép. Theo ông Nghĩa, hơn 10 năm qua, việc này có 2 chuyện là cấp phép và “cát tặc”. Chuyện cấp phép cực kỳ nhiều và có hiện tượng lạm dụng, lợi dụng. Vậy 10 năm qua đã cấp phép bao nhiêu dự án, bán được bao nhiêu, hiệu quả mang lại ra sao, lợi ích mang lại cho ai?

- Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) nói về chiến lược phát triển nghề luật sư Việt Nam. Cơ chế nào để bảo vệ luật sư tránh bị trả thù nếu luật sư buộc phải tố cáo thân chủ, khách hàng của mình?

- Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phân tích những bất cập trong cơ chế pháp lý quản lý an toàn thực phẩm.

- Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) hỏi: Nhiều năm qua báo cáo của Chính phủ luôn nhận định kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Chính phủ khắc phục tồn tại hạn chế này thế nào, giải pháp đột phá là gì?

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về nợ công, hiện tăng nợ công đang gấp 3 lần tăng GDP. Vậy sự an toàn của trần nợ 65% GDP thế nào?

- Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) nêu chiến lược phát triển du lịch, công nghiệp, thủy sản… nhưng phải chăng mục tiêu kinh tế biển 53% GDP đến 2030 phải điều chỉnh theo chiến lược này?

- Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) làm thế nào “bêu gương” các bộ ngành về quản lý sử dụng tài sản công, nhất là đất công, trụ sở cơ quan nhà nước. Khi nào công khai bộ ngành lãng phí đất công?

- Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) chất vấn, hiện Việt Nam đang trong cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, trẻ tuổi nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn là vấn đề đáng bàn, dù mỗi tỉnh đều có trường đại học. Năng suất lao động Việt Nam với các nước trong khu vực là khoảng cách lớn. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) yêu cầu xử lý độ vênh pháp lý giữa Nghị quyết 86 với luật đầu tư công, luật tổ chức chính quyền địa phương. Có một số việc, đại biểu cho rằng các Bộ làm rất tốt nhưng cũng có những việc Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm thẳng thắn. Thường trực Chính phủ sẽ xử lý vấn đề này thế nào để làm gương vì thực tế có Bộ nhận trách nhiệm có chuyển biến nhưng cũng có Bộ nhận trách nhiệm mà chẳng có chuyển biến gì, thậm chí nhiều nhiệm kỳ sau chất vấn lại vẫn thế? Thừa những người làm những việc không cần ở các bộ ngành trong khi lại thiếu người để làm việc phục vụ người dân.

- Đại biểu Đào Thanh Hải đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ làm gì để tiếp thục thúc đẩy cải cách hành chính. Đại biểu cũng muốn được biết giải pháp để tinh giản biên chế, tăng kỷ luật công vụ. Vụ việc Formosa theo đại biểu nhiều cử tri hiện vẫn đang rất băn khoăn về mức độ ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung. Tại sao môi trường biển đã sạch mà vẫn có khuyến cáo không đánh bắt hải sản tầng đáy. Nếu Formosa đi vào hoạt động, lấy gì đảm bảo sự cố không tiếp tục xảy ra?

- Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) khái quát, thời gian gần đây không cuộc tiếp xúc cử tri nào mà cử tri không đề cập nạn tham nhũng. Cử tri cho rằng tham nhũng gia tăng có nguyên nhân từ việc truy tố các bị can, bị cáo chưa nghiêm minh, việc thu hồi tài sản của người tham nhũng chưa thực chất. Phó Thủ tướng thấy nhận định này đúng hay không, sao lại không thu hồi được tài sản tham nhũng?

- Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) chất vấn về việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Dù đã tăng 9 bậc nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn rất thấp, xếp thứ 82, trong khi Singapore xếp thứ 2. Nhóm sau của ASEAN cũng chuyển động rất nhanh. Như vậy Việt Nam tiến bộ 1 thì các nước tiến bộ 2-3. Việc Việt Nam vẫn hút được đầu tư là vì tài nguyên, vì nhân lực chứ không phải vì môi trường đầu tư kinh doanh. Giải pháp nào cải thiện?

Đại biểu Mai Hoa đặt câu hỏi về vấn đề tư duy nhiệm kỳ của các Bộ trưởng. (Ảnh: Cấn Cường)
Đại biểu Mai Hoa đặt câu hỏi về vấn đề "tư duy nhiệm kỳ" của các Bộ trưởng. (Ảnh: Cấn Cường)

- Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) băn khoăn về việc xác định trách nhiệm các Bộ trưởng qua các phiên chất vấn. Lãnh đạo các địa phương cũng thể hiện sự chưa hài lòng với các Bộ. Đại biểu Hoa muốn biết giải pháp của Chính phủ để các tư lệnh ngành và lãnh đạo địa phương đóng tốt vai của mình. Về vấn đề nguồn lực đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, bà Hoa cũng yêu cầu giải pháp để xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, các cấp dẫn tới hệ quả đó.

- Về giải pháp xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, phối hợp lãnh đạo giữa các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng khẳng định, quy chế phối hợp, phân cách trách nhiệm vai trò của các bên đã được luật quy định cụ thể.

Với lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo việc phân định chức năng nhiệm vụ không chồng chéo, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, khắc phục tối đa việc bỏ trống hoặc chồng chéo nhiệm vụ. Việc phối hợp được thể hiện rõ ở quy chế làm việc của Chính phủ được ban hành mới đây.

Chính phủ cũng thực hiện việc tăng cường phân cấp cho địa phương, Bộ, ngành không ôm đồm để tập trung xây dựng thể chế, giám sát.

Phó Thủ tướng khẳng định người cán bộ nếu có tư duy nhiệm kỳ là không xứng đáng với kỳ vọng của người dân. Chính phủ là phục vụ, kiến tạo nên cũng đòi hỏi cán bộ công chức, người lãnh đạo các ngành các cấp phải hành động trên tinh thần đó.

Người được bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn vào các vị trí phải là cán bộ đầy đủ chuẩn mực, thực thi công vụ theo đúng tinh thần mẫn cán.

Những trường hợp đại biểu nêu, cán bộ như vậy không xứng đáng, có thể xuất phát từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm chưa đúng chuẩn, cần rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra để phát hiện trong quá trình công tác không thực hiện đúng tinh thần, kế hoạch. “Tinh thần nhiệm kỳ có thể nói cũng rất tinh vi, có thể vì lợi ích nhóm, có thể vì để lấy phiếu, vì mục đích nhắm tới nhiệm kỳ sau…”, Phó Thủ tướng nói.

- Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) tranh luận với Phó Thủ tướng về đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ. Ông băn khoăn về cách làm hiện nay và e rằng dự án này không biết bao giờ kết thúc.

Đây là đường quan trọng nhất với vùng và lưu lượng đường chắc cao nhất nước, xe cộ ùn tắc, dù chỉ 150km nhưng đi mất khoảng 3-4 giờ. Dự án được phát lệnh khởi công từ 2009, dự kiến 2012 sẽ hoàn thành nhưng do không thu xếp vốn nổi nên 2015 Bộ GTVT hình thành liên minh đầu tư và dự kiến 2018 hoàn thành nhưng cũng không thúc lên được. Giờ đề xuất giao cho 1 ngân hàng đầu tư, ông Thể cho rằng vẫn chưa thấy hướng khả thi.

- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói lại về cao tốc Trung Lương – Cần Thơ không biết đến bao giờ mới kết thúc khi đến giờ vẫn chưa làm gì. Khó khăn về vốn cho dự án BOT này, Phó Thủ tướng cho rằng, vốn nhà nước hỗ trợ một lần nhưng nhà đầu tư phải có lực, có tiềm năng để tham gia.

Tới đây Chính phủ sẽ xây dựng thể chế minh bạch cơ chế BOT, làm sao để kêu gọi nhà đầu tư thực sự có tiềm lực. Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT, các Bộ, ngành cùng nhau tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công trình rất quan trọng với vùng và cả nước này để hoàn thành trước 2020.

Chủ tịch Quốc hội nhắc là dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua đây lại không giao vốn cho dự án này mà dự kiến làm BOT trong khi đoạn này chỉ có mấy chục km. Đại biểu đề nghị ưu tiên ngân sách cho dự án này thay cho việc phải chờ BOT.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông có bổ sung dự án Trung Lương – Mỹ Thuận nhưng chỉ có 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách, còn lại đều huy động BOT cả. Cần các giải pháp để thúc dự án Trung Lương – Mỹ Thuận này xong trước 2020.

Phó Thủ tướng: Tư duy nhiệm kỳ có thể "giấu" nhiều mục đích - 4

- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp theo chức năng của Chính phủ, đây là việc để đảm bảo công lý, công bằng xã hội, đảm bảo quyền cho công dân. Ông Nhưỡng muốn biết quan điểm của lãnh đạo Chính phủ về việc này?

- Với câu hỏi về vấn đề hỗ trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, Phó Thủ tướng trả lời, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp xây dựng cơ chế, thiết chế trong chương trình cải cách tư pháp.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử được quy định trong pháp luật về Hình sự, Tố tụng hình sự, tổ chức cơ quan điều tra và đều đang được Quốc hội sửa. Các chế định về luật sư, quản tài viên… trên tinh thần cơ bản, phải làm đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội cũng không để lọt tội phạm.

- Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nói về dự án nút giao khác mức TP Đà Nẵng theo hình thức BT đến nay chưa được xử lý xong. Dự án có nguy cơ đội vốn trên 3.500 tỷ đồng do không thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư. Đến khi nào người Đà Nẵng thoát thân phận con tin của dự án?

- Về dự án nút giao ở TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng cho là tình trạng chung ở một số dự án hiện nay. Thủ tướng đã yêu cầu giao 10% dự phòng cho Bộ GTVT trong số vốn đầu tư công trung hạn đã được quyết định.

Phó Thủ tướng trả lời chất vấn về vấn đề quan chức bổ nhiệm người nhà (Video: Xuân Ngọc)

- Về sai phạm bổ nhiệm người nhà, người thân, Chính phủ kiến tạo phải xử lý vấn đề này thế nào? Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xác nhận hiện tượng xảy ra ở một số địa phương, lãnh đạo bổ nhiệm người nhà vào đơn vị mình phụ trách, gây bức xúc dư luận.

Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Nội vụ thanh tra công vụ, rà soát tại 11 địa phương, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong tuyển dụng bổ nhiệm công chức.

Thủ tướng đã yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai hoặc chấm dứt hợp đồng những trường hợp sai phạm, xử lý theo pháp luật.

Tinh thần chung của Chính phủ là yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường thanh kiểm tra, tối thiểu 30% các đơn vị trực thuộc trong 2017, tập trung vào việc tuyển dụng, bổ nhiệm, tăng lương, tăng ngạch bậc… công chức.

- Về vấn đề xử lý đơn vị sản xuất phân bón Thuận Phong ở Đồng Nai, Phó Thủ tướng thông tin, vụ việc phát hiện năm 2015, qua giám định, xin ý kiến bộ ngành hữu quan thì có vướng mắc trong quy định pháp luật. Vậy nên, cơ quan điều tra của công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án, được VKS phê chuẩn nhưng dư luận xã hội không đồng tình, hiệp hội phân bón phản ứng quyết liệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng) đã chỉ đạo làm rõ, sang nhiệm kỳ này thì giao lại ông Trương Hòa Bình.

Ông Bình đã yêu cầu các Bộ thống nhất lại đánh giá, giải thích thông tư của Bộ Công Thương để khẳng định đây là phân bón giả vì không đủ thành phần chất chính. Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo với VKSND tối cao để giải quyết đúng pháp luật, chỉ đạo VKS tỉnh Đồng Nai hủy quyết định phê chuẩn không khởi tố vụ án của Công an Đồng Nai, từ đó sẽ phục hồi điều tra vụ án.

Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an tiếp tục vụ án, trong đó có việc xem xét trách nhiệm cán bộ thừa hành, xử lý nếu có vi phạm.

- Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, các dự án nắm đấm thép không hiệu quả đã trở thành "nắm đấm lo lắng" hướng vào người dân, mỗi đứa trẻ ra đời đã gánh một món nợ lớn. Chính phủ đặt tâm thế của mình vào đâu để hành động khi mà kỷ cương phép nước, quyền lợi của người dân vẫn không được chú trọng? Chính phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay không? Chính phủ có cam kết gì về lộ trình cho những giải pháp đã đề ra?

- Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) gửi tới Phó Thủ tướng 2 vấn đề: Thứ nhất, hiện Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm nhưng việc giải quyết công tác khiếu nại tố cáo vẫn còn hạn chế? Giải pháp đột phá nào để giảm bớt những vụ khiếu kiện đông người?

Về ùn tắc giao thông, giải pháp nào để tháo gỡ. Cử tri Hà Nội đề cập nhiều việc di dời trụ sở các cơ quan nhà nước khỏi nội đô. Ông Hiểu muốn biết chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc này.

- Về vấn đề giảm khiếu kiện đông người, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời: tình hình khiếu kiện đông người kéo dài trong năm 2016 đã giảm nhưng qua đầu năm 2017 lại tăng. Nguyên nhân chủ yếu là khiếu kiện đất đai, quy hoạch treo…

Việc khiếu kiện thường có thời gian rất lâu dài, có những vụ từ 20-30 năm trước. Chính quyền các cấp có nỗ lực rất lớn trong giải quyết và cơ bản các vụ việc đã xong rất nhiều nhưng số còn lại vẫn dai dẳng, giải quyết không dứt điểm, một phần do chính quyền địa phương, một phần do chính sách pháp luật.

Các dự án kinh tế, xây dựng đô thị… giá cả đền bù không phù hợp thì bà con cũng khiếu kiện rất nhiều. Qua các vụ khiếu kiện thì thấy việc giải quyết lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân không công bằng.

Nếu thấy dấu hiệu nhà nước ưu ái cho nhà đầu tư thì người dân sẽ tiến tới khiếu kiện đông người, nếu chính quyền giải quyết công tâm thì xử lý được vấn đề còn không lại qua các khâu thanh tra đi thanh tra lại.

Còn về vấn đề ùn tắc giao thông, lãnh đạo Chính phủ nói, với 2 thành phố lớn nhất cả nước, tình hình ùn tắc xảy ra rất nghiêm trọng, do quy hoạch phát triển đô thị với hạ tầng chưa cân đối, do tổ chức giao thông chưa tốt, do ý thức giao thông, do chính quyền… Đây là vấn đề rất lớn.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp. Việc di chuyển các cơ quan trụ sở ra ngoại ô là chủ trương đúng nhưng thực hiện phải rất khoa học, vừa đáp ứng yêu cầu chính trị, kinh tế lẫn yêu cầu an ninh trật tự.

Với các trụ sở của cơ quan TƯ, các nước thường đặt ở trung tâm thủ đô, còn các cơ sở như bệnh viện, trường đại học… thường đưa ra ngoại ô. Nhưng những trường trung học, tiểu học hay bệnh viện cấp khu vực nếu di đi thì lại không đáp ứng yêu cầu sinh sống của người dân.

Vậy nên việc này cần có quy hoạch tốt để đảm bảo nhu cầu sống, bộ mặt ngoại giao của đô thị cũng như yêu cầu về kinh tế. Cần xác định những vị trí đó cần bán, đấu giá công khai minh bạch cho đúng giá trị của nó để đầu tư lại cho phát triển.

Ngoài ra, các giải pháp khác như sửa đổi quy định pháp luật, xây dựng thể chế, giáo dục ý thức giao thông… theo Phó Thủ tướng cũng cần chú ý.

Quan trọng là ở đô thị các công trình quy hoạch như cao ốc với đường sá, công cộng phải hài hòa với nhau. Không được để cho tình trạng các chung cư, cao ốc tiếp tục mọc lên trong trung tâm mà hạ tầng giao thông chưa đáp ứng. Quan trọng hơn, cần tổ chức các đô thị vệ tinh, hệ thống tàu điện ngầm, đường trên cao, ứng dụng CNTT về điều hành giao thông… đều cần có kế hoạch chi tiết để thực hiện.


Đại biểu Trần Văn Tiến băn khoăn: Ngoài 12 dự án ngành Công Thương thua lỗ lớn, còn có các dự án cùng tình trạng ở các ngành khác?

Đại biểu Trần Văn Tiến băn khoăn: Ngoài 12 dự án ngành Công Thương thua lỗ lớn, còn có các dự án cùng tình trạng ở các ngành khác?

- Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề cập có những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, trong đó có 12 dự án ngành Công Thương thua lỗ lớn, hậu quả nghiêm trọng. Ông Tiến muốn biết ở các ngành khác có bao nhiêu dự án tương tự, trách nhiệm thuộc về ai?

- Với câu hỏi này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ đã rõ ràng minh bạch thông tin về việc này. Chính phủ đã báo cáo nội dung này tại phiên khai mạc kỳ họp.

Những dự án này sẽ được cơ cấu sắp xếp lại theo tinh thần không để thất thoát ngân sách, không dùng ngân sách để trả nợ, xử lý theo cơ chế thị trường và quy trách nhiệm người đứng đầu các dự án, cơ quan quản lý.

Về câu hỏi "có bao nhiêu dự án tương tự?", Phó Thủ tướng trả lời, ngoài 12 dự án này không thể nói là không có dự án khác. Tinh thần chung xác định là còn những dự án như vậy và yêu cầu rà soát thêm. Chính phủ sẽ có những giải pháp để xử lý tương tự như với 12 dự án đang đắp chiếu này.

- Đại biểu Đinh Đăng Luận (Yên Bái) đề cập những dự án dở dang, phải dừng thi công gây nguy cơ thất thoát lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Đại biểu yêu cầu giải pháp để giải quyết tình trạng này.

- Với câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết các Bộ, ngành đã rà soát để bố trí vốn cho những dự án cấp bách cần đầu tư ngay nên phải đình hoãn với một số dự án khác. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 26, bố trí vốn cho các địa phương thanh toán các khoản nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản. Vậy nên có thể khẳng định những dự án cấp bách đều đã được bố trí vốn trong kế hoạch 2016-2020.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo nhưng tại địa phương cũng phải nỗ lực tìm các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư để hoàn thành các dự án dang dở.

- Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nói về tình trạng lãng phí dàn trải trong đầu tư công, mất an toàn thực phẩm, hạn chế trong phòng chống tội phạm và cho rằng Chính phủ cần luật hóa các hoạt động điều hành với nhạc trưởng cụ thể, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các ban chỉ đạo nhà nước. Bà Minh muốn biết quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này.

- Phó Thủ tướng chia sẻ, đồng cảm với nhận định của đại biểu Ngô Thị Minh về quy chế phối hợp các ban chỉ đạo liên ngành. Phó Thủ tướng cho biết tới đây sẽ nghiên cứu đề xuất pháp luật, luật hóa trách nhiệm khâu nối giữa các cơ quan.

Hiện nay, có nhiều Ban chỉ đạo liên ngành phát huy được hiệu quả nhưng cũng có Ban chỉ đạo còn hình thức. Tới đây đổi mới hệ thống chính trị, Chính phủ cũng nghiên cứu trình TƯ sắp xếp lại bộ máy tổ chức, đánh giá hoạt động của các Ban chỉ đạo liên ngành, cái nào không thực chất thì bỏ, cái nào có chức năng tương đồng thì sáp nhập.

Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ nâng cao kỷ luật kỷ cương, yêu cầu lãnh đạo các Ban chỉ đạo chấp hành nghiêm chế độ hội họp, chỉnh lại tình trạng nay người này đi họp, mai đến người khác, thậm chí cả người không có chức trách nhiệm vụ.


Đại biểu Kim Bé là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng.

Đại biểu Kim Bé là người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng.

- Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) hỏi 2 nội dung. Thứ nhất, vấn đề chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng, cử tri ngành giáo dục vẫn hoang mang. Bà Bé hỏi quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này.

Vấn đề thứ 2, đại biểu đề cập dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ mà Bộ trưởng GTVT đã trả lời là chậm do 1 nút thắt cổ chai. Bà Bé cho rằng, đó là trách nhiệm do năng lực điều hành. Đề nghị cho biết giải pháp khắc phục yếu kém này khi triển khai dự án khác?


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn.

- Trả lời câu hỏi đầu tiên của đại biểu Kim Bé về biên chế giáo viên chuyển thành hợp đồng, Phó Thủ tướng cho biết, cơ quan đề xuất nghiên cứu việc này có mục đích là đẩy mạnh thí điểm về cơ chế tự chủ với đơn vị sự nghiệp chung. Vấn đề này là chủ trương nhưng cũng liên quan đến pháp luật về công chức, viên chức. Ý chung là làm sao công chức là người tác nghiệp chuyên biệt trong bộ máy công quyền còn viên chức cũng là lực lượng lao động.

Đây mới là một ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định sau cùng. Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xây dựng đề án về sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp để báo cáo TƯ Đảng xem xét quyết định.

Phó Thủ tướng: Chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng "mới chỉ là đề xuất" (Video: Xuân Ngọc)

Vấn đề hạ tầng của ĐBSCL, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vùng trọng điểm cả nước về hàng hóa, nông sản, nhất là lúa gạo, cây trái. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là giao thông của khu vực.

Có 40 dự án với tổng mức đầu tư 58.000 tỷ rót về đây, 26 dự án đang triển khai dở dang với tổng vốn 90.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách, ODA, trái phiếu Chính phủ là trên 60.000 tỷ đồng. Dù vậy, mức đầu tư như vậy vẫn chưa tương xứng tiềm năng của vùng, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn.

Những dự án dở dang từ Nghị quyết 11, Chính phủ sẽ rà soát, dự án nào hiệu quả sẽ ưu tiên đầu tư. “Trung Lương – Cần Thơ chậm, Chính phủ cũng thấy những yếu kém trong công tác tham mưu, kéo giảm hiệu quả các dự án trong vùng, trong đó có vấn đề thu xếp vốn của Bộ GTVT, tới đây sẽ khắc phục để thu xếp vốn sớm cho đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị địa phương phát huy vai trò trong việc huy động các nguồn lực đầu tư khác cho vùng chứ không chỉ trông chờ ngân sách.

- Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt vấn đề về chính sách phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn khó khăn nhất, là lõi nghèo của cả nước. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề?

- Về giải pháp phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, đồng bào dân tộc miền núi là khu vực còn nhiều khó khăn, hiện Chính phủ đã tập trung nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Giải pháp trước hết Chính phủ nhấn mạnh là chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chương trình giảm nghèo được đầu tư trực tiếp 48.000 tỷ đồng, chương trình nông thôn mới dự kiến bố trí 193.000 tỷ đồng ưu tiên phân bổ cho miền núi, khu vực khó khăn, cao gấp 4 lần mức trung bình.

Quyết định 2085 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ được nhắc đến như hành lang pháp lý quan trọng cho việc này để kết nối vùng miền núi với các khu vực khác, khai thác lao động để phát triển kinh tế lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, thu hút du lịch…

Giải pháp khác là tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục đào tạo đối với vùng để thúc đẩy phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số đến 2020. Sau nữa, nhà nước tiếp tục đầu tư hệ thống y tế, phát triển bảo hiểm y tế trong khu vực để nâng cao chất lượng dân số ở đây…

- Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) chất vấn tiếp về việc giải cứu chăn nuôi ở khía cạnh quản lý của Chính phủ. Vai trò của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chăn nuôi rất lớn. Chỉ 25% doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi là FDI nhưng chiếm tới 68% thị phần. Người chăn nuôi băn khoăn là những yếu tố làm giảm sút tỷ trọng trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi nên khi giá sản phẩm giảm thì các doanh nghiệp trong nước càng đuối, dễ dàng chết. Đại biểu muốn biết giải pháp để tháo gỡ tình trạng này?

- Xung quanh giải pháp giải cứu chăn nuôi, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các Bộ trưởng đã trả lời nhiều về vấn đề này những ngày qua. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời thêm đại biểu bằng văn bản.

- Đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) chia sẻ quan điểm về việc cơ cấu lại nền nông nghiệp, trong đó có công tác quy hoạch về sản xuất, sản phẩm, thị trường nên tình trạng được mùa mất giá lặp lại mãi, nhiều loại nông sản liên tiếp phải giải cứu. Để đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ có chính sách gì?

- Câu chuyện được mùa mất giá, theo Phó Thủ tướng cũng giống chuyện giải cứu đàn heo, đàn vịt, trái thanh long, dưa hấu,... Vấn đề là phải quy hoạch thật tốt vùng chuyên canh, quy hoạch sản phẩm, tìm đầu ra, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông sản, triển khai ngành chế biến, tổ chức HTX kiểu mới, kết hợp “4 nhà”, “5 nhà” để hướng dẫn người nông dân sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, giá trị tốt, không dư thừa để nông dân không phải ly hương mà trở thành những công nhân nông nghiệp công nghệ cao trên chính quê hương mình.

- Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói về vấn đề liên kết phát triển kinh tế ĐBSCL. Thủ tướng và Chính phủ quyết tâm việc này nhưng các bộ ngành lại không mặn mà, 2 năm rồi quyết định vẫn chưa được triển khai nhiều. Rất nhiều vấn đề đang xảy ra với khu vực, từ việc sạt lở, thiên tai tới thiếu hệ thống kết nối, đầu tư manh mún… Đại biểu lo sức phát triển kinh tế của vùng sẽ khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống 18 triệu dân trong vùng.

- Về quy chế phối hợp phát triển ĐBSCL, Phó Thủ tướng chia sẻ, ông nhớ khóa trước nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề này. Nhiều đại biểu đề nghị có 1 Phó Thủ tướng đứng đầu chịu trách nhiệm vấn đề này thì thực tế giờ đã có Phó Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ để lo những việc này, gắn quy hoạch phát triển với biến đổi khí hậu, xây dựng quy hoạch sản phẩm vùng…

Biến đổi khí hậu đang tác động lớn tới ĐBSCL, từ hạn hán, hạn mặt, gần đây là sạt ở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển. Ông đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có thêm ý kiến về vấn đề này.

14h, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân giới thiệu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đăng đàn, báo cáo thêm về các nội dung trong 15 phút. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tại các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 114 phiếu chất vấn với 120 đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 12 phiếu chất vấn Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng và 3 Phó Thủ tướng, 3 thành viên khác của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Báo cáo những thông tin cập nhật về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng nhận định chung là tháng 5 có xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 4 cũng như cả quý I vừa qua. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, cao hơn 4 tháng đầu năm (5,2%). Ngành du lịch khả quan với lượng khách quốc tế tăng tới hơn 30% (5,3 triệu lượt). Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí...

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, kinh tế xã hội hiện vẫn còn nhiều khó khăn thách thức với nhiều dấu hiệu đáng ngại như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ, tổng mức bán lẻ cũng thấp hơn, tiêu thụ một số nông sản vẫn tiếp tục khó khăn.

Về lĩnh vực xã hội, cơ quan quản lý nhà nước vẫn để xảy ra nhiều vụ ngộ độc, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, sai sót trong khám chữa bệnh, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tình hình trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Nói về giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm nay, người được Thủ tướng ủy quyền trả lời chất vấn nhất mạnh lại định hướng thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng phải gắn với ổn định vĩ mô, bảo đảm chất lượng và phát triển bền vững, bảo đảm cuộc sống của người dân.

Các giải pháp được nhắc đến là: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Phát triển mạnh thị trường trong nước cùng với thúc đẩy xuất khẩu, nhất là với các mặt hàng nông sản, cả tiểu ngạch và chính ngạch…

Chính phủ hướng tới mục tiêu giảm lãi suất, bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm trên 18% để thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp. Giá điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục… được kiểm soát theo lộ trình chặt chẽ.

Giải pháp nhanh từng được báo cáo là tăng sản lượng dầu thô, Phó Thủ tướng cho biết, nguyên tắc là khai thác hợp lý, đảm bảo hiệu quả. Chính phủ cũng có phương án giải quyết hiệu quả các loại khoáng sản đang tồn đọng.

Chính phủ cũng theo dõi diễn biến, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, ổn định. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi cải tạo các khu chung cư cũ, nhất là tại Hà Nội và TPHCM.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cũng báo cáo về vấn đề nổi lên trong công tác điều hành thời gian qua như cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu. Theo đó, vừa qua, Chính phủ đã tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã mua 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặt biệt; củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, xử lý dứt điểm những quỹ yếu kém, không có khả năng phục hồi.

Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát sở hữu chéo, ngăn ngừa thao túng, doanh nghiệp “sân sau” trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay bất động sản ở mức cao…

Về xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn của các DNNN, theo báo cáo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động để cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2020 Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp. Kết quả, các cơ quan đã thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; đảm bảo đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020; không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Tính đúng, tính đủ giá trị, quyền sử dụng đất, thương hiệu, triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong cổ phần hóa.

Với 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn, Chính phủ đang tập trung để xử lý dứt điểm, phương thức theo cơ chế thị trường, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Song song với quá trình đó, Chính phủ tiến hành xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

“Người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại. Xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, thoái vốn” – Phó Thủ tướng nói.

Ở khía cạnh các vấn đề xã hội, Phó Thủ tướng đề cập việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nổi bật nhất thời gian qua là chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ quyết liệt ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là tình trạng “cát tặc” đang diễn ra ở nhiều nơi. Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng việc cấp phép các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa tận thu cát; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp; khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm; xử lý nghiêm hành vi “bảo kê”, tiếp tay cho cát tặc.

Hoạt động xả thải của cơ sở sản xuất, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt… cũng được siết chặt quản lý, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Nhắc đến chuyện thời sự là hiện tượng sạt lở ở vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết, các biện pháp khắc phục đã được triển khai, ứng phó kịp thời, không để sạt lở gây chết người. Về vấn đề trật tự, an toàn xã hội, Phó Thủ tướng trình bày việc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài. Quan điểm chỉ đạo là không để phát sinh điểm nóng.

Việc phòng chống tội phạm thì tập trung vào các loại hành vi như cướp giật, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khám phá nhanh các vụ án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; nâng cao chất lượng điều tra, xử lý, không để xảy ra oan, sai, lọt tội phạm. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm ma túy. Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng.

Kết thúc phần báo cáo, Phó Thủ tướng mong tiếp tục được Quốc hội giám sát các hoạt động. Phó Thủ tướng sẵn sàng trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội.

P.Thảo