Bộ trưởng Công an nói về việc đổi tên "căn cước công dân" thành "căn cước"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Đại tướng Tô Lâm, đa số ĐBQH nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Ngoài ra, một số ý kiến muốn giữ tên gọi cũ.

Chiều 22/6, sau khi các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã giải trình, làm rõ một số nội dung được đại biểu đề cập, quan tâm.

Theo Bộ trưởng Công an, dự án Luật này là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nước ta.

Bộ trưởng Công an nói về việc đổi tên căn cước công dân thành căn cước - 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại tướng Tô Lâm khái quát ý kiến của các đại biểu tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính, trong đó có tính khả thi, thông tư dữ liệu quốc gia, nội dung trong thẻ căn cước, quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước…

Về sự cần thiết ban hành, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết các ý kiến đều nhất trí ban hành Luật Căn cước và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ luật của Chính phủ.

Đa số đại biểu cũng nhất trí với ý kiến, chính sách, nội dung lớn quy định trong dự thảo.

"Về tên gọi của dự án luật, đa số đại biểu nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật", Bộ trưởng Tô Lâm nói. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Căn cước công dân như hiện nay.

Về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về căn cước kết nối, chia sẻ khai thác thông tin, nhiều đại biểu nhất trí quy định này vì cho rằng đây là nhu cầu thiết yếu trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Trước đó, đề cập đến tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) ủng hộ việc đổi tên luật từ Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước.

Bộ trưởng Công an nói về việc đổi tên căn cước công dân thành căn cước - 2

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng - Nam Định (Ảnh: Phạm Thắng).

Giải trình của Chính phủ về việc này, theo ông Dũng, đã rất rõ ràng, vì căn cước không chỉ được cấp cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Do đó, việc đổi tên đảm bảo điều chỉnh được tất cả đối tượng.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, việc bổ sung xác nhận quốc tịch cho số người gốc Việt Nam chưa được xác nhận là hợp lý, để họ được cư trú, đi lại và làm việc.

"Nếu số người này không có giấy tờ tùy thân, khi có vấn đề về an ninh trật tự sẽ rất khó xác minh", ông Thái nói.

Nói thêm về việc này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, cấp căn cước cho nhóm đối tượng là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người để dễ dàng quản lý.

Theo ông, những người này, đa phần rất khó khăn về kinh tế, không có chính sách an sinh xã hội do không có hộ khẩu thường trú, con em không được học hành do không có khai sinh, để lại gánh nặng cho xã hội.

"Nếu có chuyện xảy ra thì không biết đối tượng này ở đâu, truy tìm khó khăn vì không có hồ sơ lưu trữ", ông Hòa lo ngại.

Vì những bất cập trên, ông Hòa nhìn nhận, việc cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này là rất cần thiết, để họ có quyền công dân và được hưởng các chính sách như nhiều người khác.