1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Công an: Có cảnh sát giao thông, thanh tra không phải ra đường!

Quang Phong Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết phải tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng gây bức xúc là xây dựng hạ tầng cơ sở và trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Sáng nay (11/11), Quốc hội thảo luận tại Tổ về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Vì sao tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật?

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, do cần thiết đảm bảo một số mục tiêu, tình hình không cho phép chậm trễ hơn nữa.

“Phải tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng, rất bức xúc trong xã hội hiện nay, đó là tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông đường bộ và giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ” - Bộ trưởng Bộ Công an cho hay.

Người đứng đầu ngành công an khẳng định trật tự an toàn giao thông (ATGT) ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội và Bộ Công an với trách nhiệm được giao đảm bảo trật tự an toàn xã hội thì “không thể đứng ngoài”.

Bộ trưởng Công an: Có cảnh sát giao thông, thanh tra không phải ra đường! - 1

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (ảnh: Quốc Chính)

Được biết, Bộ Giao thông vận tải từng đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông khi chuyển giao công việc, tuy nhiên Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ không cho chỉ tiêu này.

Về việc giao phần việc rất lớn sang ngành công an liệu có làm “phình” bộ máy và gây lãng phí nhân lực? Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc chuyển đổi này sẽ tiết kiệm được rất nhiều, thậm chí người làm nhiệm vụ trên đường sẽ giảm.

“Việc này không làm phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. Nếu giao cho công an thì chúng tôi có lực lượng cảnh sát giao thông, phối hợp các lực lượng khác khi cần tăng cường trong các dịp cao điểm” - Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho rằng khi đó sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên đường nữa.

Lo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

Trong một diễn biến khác, tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng không nên tách Luật Giao thông thành 2 luật như đề xuất của Bộ Công an.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nêu quan điểm: “Việc tách thành hai luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là không ổn, tôi không đồng tình với việc tách thành hai luật”.

Theo ông Sinh, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Khi kết hợp 4 thành tố mới trở thành giao thông đường bộ, bây giờ tách làm hai thì phải đổi tên lại thành Luật Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Vị đại biểu này nhấn mạnh đảm bảo ATGT đường bộ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ, vì vậy việc tách thành hai luật là không hợp lý.

Bộ trưởng Công an: Có cảnh sát giao thông, thanh tra không phải ra đường! - 2

Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Quốc Chính)

 “Các nội dung trong Luật Giao thông đường bộ đang liên kết mà lại xé ra, trong khi lại đang rất cần sự liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ, logic cả về lý thuyết và thực tiễn. Nếu Luật Giao thông đường bộ vướng ở đâu thì chúng ta sửa ở đó để đảm bảo đồng bộ tốt hơn, chứ không phải xé ra thành hai luật” - ông Sinh nói rõ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho rằng việc sửa luật, phía cơ quan soạn thảo chưa có sự so sánh với các điều luật cũ, làm rõ tại sao phải sửa. Trước đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ chuyển phần đào tạo, sát hạch lái xe về ngành Giao thông vận tải chắc phải có lý do nên khi chuyển về Bộ Công an cần phải phân tích làm rõ.

Bà Lan bày tỏ lo ngại: “Khi đưa phần đào tạo, sát hạch lái xe về Bộ Công an bởi có thể dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Việc sửa luật cần chỉnh sửa tổng thể, có tính dài hơi bởi không phải muốn sửa luật lúc nào thì sửa, rất phức tạp”. 

Trong khi đó, đại biểu Đào Việt Trung - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước - cho rằng Quốc hội cần phải làm nhiệm vụ “trọng tài”.

“Khi chưa có quyết định cuối cùng của Thường vụ có lẽ Quốc hội nên có hình thức lấy ý kiến của các đại biểu về việc có đồng ý hay không đồng ý tách 2 dự thảo luật như hiện nay đang trình không? Sau đó mới bàn về nội dung, chứ không sau này lại bảo thôi, không tách nữa, nhập lại rõ ràng sẽ lãng phí thời gian, vật chất”- ông Trung nêu quan điểm.