Bộ trưởng Cao Đức Phát “lạc quan” về rừng
(Dân trí) - “Tuy vẫn còn nhiều đại biểu nghi ngờ, nhưng thực tế ta đã có nhiều rừng hơn. Dù rừng giảm ở Tây Nguyên, nạn phá rừng vẫn xảy ra nhưng diện tích rừng trồng thêm đã tăng rõ rệt” - Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát khẳng định.
Rừng Tây Nguyên vẫn bị phá nhưng rừng trồng tăng rõ rệt
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) truy, tại một kỳ họp của Quốc hội khóa trước các đại biểu đã chất vấn về việc 10 tỉnh cho nước ngoài thuê 300 ngàn ha đất rừng, vậy hiện nay có bao nhiêu tỉnh cho thuê, diện tích là bao nhiêu, trong đó có bao nhiêu rừng phòng hộ, rừng liên quan đến quốc phòng an ninh?
Các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo này của Chính phủ. Con số cuối năm 2010 là các Cty nước ngoài thuê 18 ngàn ha, đã trồng trên 3 ngàn ha…
Được chủ tọa mời phát biểu sau đó, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã xác nhận thêm một lần những con số người đồng nhiệm đã đưa ra. Ông Vinh khẳng định, các diện tích đã cho thuê đều là đất trắng đồi trọc.
Quan tâm vấn đề thời sự hiện tại, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát tường trình về tình trạng phá rừng hiện nay. Theo ông Dũng, lực lượng kiểm lâm đã đổ không ít máu vẫn chưa bảo vệ rừng hiệu quả. Thêm nữa, người dân được giao rừng không sống được với rừng... Ông Dũng muốn được nghe một giải pháp cụ thể để giao rừng, giữ rừng tốt hơn.
Bộ trưởng Phát “nắn” lại nhận định về tình trạng phá rừng, mất rừng của đại biểu. Ông Phát khẳng định, Việt Nam có thành tựu rất lớn về bảo vệ, phát triển rừng, được quốc tế đánh giá cao. “Tuy vẫn còn nghi ngờ về thực chất con số tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng thực tế nhưng sự thực hiện ta đã có nhiều rừng hơn. Dù rừng vẫn giảm ở Tây Nguyên, nạn phá rừng vẫn xảy ra hàng ngày nhưng ở nhiều nơi khác, diện tích rừng trồng thêm đã tăng rõ rệt” – Bộ trưởng NN&PTNT khẳng định.
Giải pháp đột phá theo Bộ trưởng Cao Đức Phát là cải thiện đời sống người dân ở vùng có rừng và xóa đói giảm nghèo vì đói nghèo là áp lực lớn dẫn đến nạn phá rừng để canh tác, để mưu sinh. Trước hết, ông Phát phân tích, phải giải quyết được lương thực cho người dân.
Ông Phát cũng chia sẻ trải nghiệm sau lần thị sát vườn quốc gia Cát Tiên 2 tuần trước. “Mục sở thị” công tác bảo vệ rừng ở đây, Bộ trưởng NN&PTNT kết luận, cần đấu tranh không khoan nhượng với những đối tượng phá rừng, đặc biệt là các “đầu nậu” - những kẻ đứng sau xúi giục và tiếp tay cho việc phá rừng. Ngoài ra, cần có chế độ tốt hơn cho anh em kiểm lâm để giữ rừng.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) “vặn” lại: “Vậy thực tế thế nào, người dân có thực sự sống được với rừng; làm sao để người trồng rừng sống được với nghề?”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để trả lời được câu hỏi này cần giải một câu hỏi lớn – phát triển rừng vì ai? Ông Phát phân trần, rõ ràng rừng mang lại lợi ích chung cho mọi người dân, cho đất nước nhưng rừng chỉ có thể phát triển bền vững khi đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người làm nghề rừng chứ không thể là gánh nặng cho họ.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, chỉ có thể tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất rừng cho nông dân. Ngoài ra, nhà nước cần hỗ trợ vốn, giống, gạo ăn cho bà con đến khi có thu nhập từ rừng. Sau đó, để giữ rừng bền vững cần phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm lâm nghiệp, đảm bảo đầu ra cho lâm sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề, với các hiện tượng sạt lở bờ sông, xây sân golf trái phép… như vừa qua, Bộ trưởng có giải pháp nào để giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa.
Bộ trưởng Phát đáp lại, diện tích đất lúa giảm do yếu tố tự nhiên như như biến đổi khi hậu, do dòng chảy hay do con người như làm các khu đô thị, khu công nghiệp, làm đường… Để đảm bảo đất lúa cần hạn chế tối thiểu tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế tối đa việc lấy đất nông nghiệp. Cùng đó, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để hộ làm nông nghiệp có mức thu nhập bằng các hộ làm nghề khác.
Đáp lại câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), hoạt động của các viện nghiên cứu còn xa nông dân, Bộ trưởng Phát thừa nhận, hệ thống nghiên cứu còn nhiều tồn tại, yếu kém, đặc biệt phục vụ nhu cầu thực tế của nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Phát, những người làm khoa học cũng đã có những cố gắng, đóng góp cho việc cải thiện năng suất, chất lượng. Các giống lúa, café đều do các nhà khoa học làm ra.
“Tôi có nói với các nhà khoa học trong ngành, đừng đem đến bộ trưởng các công trình mà đem đến những bông lúa, trái cây đã được cải thiện về năng suất, chất lượng”, Bộ trưởng Phát chia sẻ.
Cũng liên quan đến nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Phú Yên) lo ngại trước việc một nước thiên về nông nghiệp như ta, nhưng lại tràn ngập nông sản nước ngoài, nhất là Trung Quốc, chất lượng không đảm bảo. Từ đó, ông Hòa cũng đặt vấn đề, Bộ có giải pháp gì để bảo hộ sản phẩm trong nước.
Bộ trưởng Phát cho rằng, để kiểm soát nông sản nhập khẩu, Bộ đã đưa ra những giải pháp phù hợp cam kết với các tổ chức quốc tế. Chúng ta đã ban hành thông tư, các nước xuất khẩu vào nước ta phải thông báo trước về chất lượng ở nước đó, năng lực Cty làm việc xuất khẩu vào nước ta. Ông Phát cho biết, tới đây sẽ thực hiện việc cử người đến tận nơi sản xuất ở nước ngoài để kiểm soát chất lượng.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) tỏ ý lo ngại trước tác động tiêu cực của thiên tai, bão lụt, đặc biệt miền Trung, mỗi năm đều gánh 3-4 trận bão, 7-8 trận lụt. Mỗi lần lụt bão, chính quyền lại phải tính phương án di chuyển người dân trong thời gian ngắn. Dù việc đó thể hiện trách nhiệm với dân nhưng cũng là cách đối phó ở thế bị động.
Ông Mạo đặt câu hỏi, không lẽ năm nào cũng tiếp tục chạy “dân” như vậy? Có giải pháp nào căn cơ để dân có thể sống chung với bão lũ an toàn hơn?
Đại biểu dẫn lại báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội trước đây. Theo đó, Chính phủ chủ trương hỗ trợ mỗi gia đình vùng lũ xây dựng một ngôi nhà cao, kiên cố để người dân tránh trú bão, lũ. Ông Mạo cho rằng việc này không khó thực hiện trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, nhưng sao chưa thấy Chính phủ triển khai, hiện thực hóa chủ trương.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng sau cái chết của con tê giác cuối cùng tại Việt Nam, động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng tiếp theo là voi. “Một ngày nào đó chúng ta dựng phim về Hai Bà Trưng mà phải mượn voi nước bạn. Chúng ta thấy trước con voi sẽ chết?”, ông Quốc lo ngại. Bộ trưởng Cao Đức Phát đáp lại, từ năm 60 Chính phủ dã có chỉ thị về vấn đề bảo vệ các loại động vật hoang dã và thời gian qua đã có nhiều giải pháp được đặt ra. Với việc tê giác một sừng đã tuyệt chủng vừa qua chúng ta cần quan tâm hơn, nỗ lực hơn trong việc bảo vệ các loại động vật hoang dã. |
Cấn Cường - Phương Thảo