Bộ TN-MT sửa thông tư về quản lý chất thải nguy hại

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015 về quản lý chất thải nguy hại nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công tác quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn.

Tại cuộc họp rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại vừa diễn ra, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) khẳng định việc sửa đổi, bổ sung thông tư này là nhiệm vụ cần thiết, dựa trên căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015 về quản lý chất thải và phế liệu và Nghị định số 40/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường…

Theo đó, dự thảo thông tư có nhiều điểm mới quy định chặt chẽ hơn về công tác quản lý chất thải nguy hại. Đơn cử như việc liên kết giữa 2 tổ chức, cá nhân, trong đó một bên chỉ thực hiện việc vận chuyển chất thải nguy hại và chuyển giao trách nhiệm cho bên quản lý còn lại được quy định thêm về việc liên kết đảm bảo nguyên tắc là việc thu gom, vận chuyển và chuyển giao chất thải nguy hại cho bên tiếp nhận là hoạt động phụ trợ ở quy mô, phạm vi không vượt quá hoạt động chính là thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại về cơ sở xử lý chất thải nguy hại của chính bên chuyển giao để xử lý.

Bộ TN-MT sửa thông tư về quản lý chất thải nguy hại - 1

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân.

Bên chuyển giao chỉ được thực hiện liên kết để phục vụ các chủ nguồn thải có mã chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển về cơ sở của chính mình để xử lý.

Về công tác vận chuyển chất thải nguy hại, dự thảo quy định không được vận chuyển hoặc xử lý quá năng lực tự vận chuyển chất thải nguy hại hoặc số lượng chất thải nguy hại được phép xử lý ghi trên giấy phép.

Về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, dự thảo đề xuất: Khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ hợp lệ, sau 10 ngày, đơn vị thường trực sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại và có văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải.

Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định để vận hành thử nghiệm, đoàn kiểm tra có ý kiến cụ thể trong biên bản kiểm tra hoặc đơn vị thường trực thông báo bằng văn bản (trường hợp cần thiết) cho tổ chức, cá nhân để đáp ứng, thực hiện hoặc giải trình để đơn vị thường trực có văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm hoặc thành lập đoàn kiểm tra lại…

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2015 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công tác quản lý Nhà nước về chất thải nguy hại chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch hơn.

Chính vì vậy, việc soạn thảo dự thảo mới cần có sự thống nhất với các văn bản luật khác có liên quan, nội dung sửa đổi cần được viết dễ hiểu, dễ áp dụng trong trong thực tế. Các đơn vị trực thuộc có ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo thông tư, sớm hoàn chỉnh để trình lãnh đạo Bộ.

Sắp diễn ra hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn

Ngày 24/10, chủ trì buổi làm việc với các Bộ liên quan về chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tổ chức nhằm đánh giá tình hình, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta.

Trong đó tập trung vào chất thải rắn sinh hoạt, thống nhất nhận thức và hành động về các chủ trương, giải pháp trước mắt và lâu dài trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đã thống nhất và góp ý hoàn thiện các nội dung hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn; đề xuất một số giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn trong thời gian tới như sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và khuyến khích áp dụng các mô hình công nghệ hiện đại,…

Ông Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ ngành để hoàn thiện các nội dung của hội nghị, trong đó cần phải nêu lên những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp với thực tế để các Bộ ngành, địa phương cùng phối hợp triển khai trong thời gian tới. 

“Các báo cáo tại Hội nghị phải nói lên được thực trạng quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt; phải nêu rõ nhiệm vụ sắp tới của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong vấn đề này”- ông Nhân nói.

T.K