1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ TN-MT nêu ý kiến về việc vận hành các hồ chứa thủy điện

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu việc vận hành các hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Bản Vẽ,… không được ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước, các hoạt động sản xuất, an toàn của nhân dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã nhận được văn bản của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa khô đầu năm 2020.

Sau khi nghiên cứu kiến nghị của EVN và trên cơ sở hiện trạng nguồn nước các hồ chứa, diễn biến khí tượng, thủy văn, số liệu vận hành các hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng việc xem xét điều chỉnh giảm lưu lượng xả các tháng đầu mùa cạn để dự trữ nước phục vụ cho các tháng cao điểm vào mùa khô 2020 là cần thiết.

Bộ TN-MT nêu ý kiến về việc vận hành các hồ chứa thủy điện - 1

Hồ thuỷ điện Hoà Bình.

Tuy nhiên để bảo đảm việc điều chỉnh lưu lượng các hồ chứa không ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước của các địa phương ở phía hạ du và phù hợp với hiện trạng nguồn nước các hồ chứa và diễn biến dòng chảy trên các lưu vực sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến cụ thể đối với phương án kiến nghị vận hành xả nước các hồ chứa các tháng đầu năm 2020 của EVN.

Theo đó, đối với các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang (trên lưu vực sông Hồng) và hồ Sê San 4A (trên lưu vực sông Sê San), Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất với đề xuất của EVN về việc điều chỉnh chế độ vận hành của các hồ Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang. Tuy nhiên đề nghị EVN chỉ đạo các chủ hồ chứa, đặc biệt là hồ Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà, bảo đảm việc lấy nước của Nhà máy nước sông Đà phù hợp với lịch vận hành xả nước của hồ Hòa Bình và lấy đủ lượng nước từ sông Đà để bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương ở phía hạ du để bảo đảm việc vận hành các hồ chứa không ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước, các hoạt động sản xuất và an toàn của nhân dân ở phía hạ du các hồ chứa nêu trên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản về việc vận hành điều tiết nước hồ Sê San 4 thời gian từ nay đến hết tháng 4/2020. Vì vậy, Bộ này đề nghị EVN chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện Sê San 4A phối hợp chặt chẽ với Công ty phát triển thủy điện Sê San trong việc vận hành, bảo đảm việc xả nước xuống hạ du sông Sê San theo yêu cầu tại Văn bản nêu trên và theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San.

Đối với các hồ Hủa Na, Cửa Đạt (trên lưu vực sông Mã), hồ Bản Vẽ (trên lưu vực sông Cả) và các hồ A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và ĐăkMi 4 (trên lưu vực sông sông Vu Gia - Thu Bồn), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị EVN và các chủ hồ phối hợp với các địa phương để thống nhất phương án vận hành xả nước của từng hồ chứa, bảo đảm cấp nước an toàn cho nhân dân phía hạ du trên cơ sở quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa sông Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn và bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, điều chỉnh việc vận hành từng hồ chứa nêu trên cho phù hợp. Trong quá trình vận hành nếu có vấn đề phát sinh, cơ quan này đề nghị EVN phản ánh để kịp thời xử lý.

Nâng cao chất lượng dịch vụ dự báo thời tiết

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành các quyết định để đưa 4 Trạm Rada thời tiết: Quy Nhơn (Bình Định), Vinh (Nghệ An), Phù Liễn (Hải Phòng) và Pha Đin (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đi vào hoạt động chính thức.

Theo Bộ này, Việt Nam là một trong số ít những nước trên thế giới phải hứng chịu những thiệt hại liên tiếp do thiên tai gây ra hàng năm như lượng mưa lớn tập trung vào mùa mưa, nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào đất liền, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán…trên nhiều vùng miền của cả nước. Nhiều người chết và bị thương, nhiều nông sản và tài sản của người dân bị cuốn trôi hay bị ngập trong nước, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Trong thời gian tới, hiện tượng thời tiết bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như mưa lớn, bão lũ có thể sẽ còn tiếp diễn phức tạp. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, Việt Nam lại thiếu các thiết bị đo đạc, quan trắc để có thể kịp thời nắm được số liệu thời tiết cần thiết theo thời gian thực, dẫn đến khó đưa ra dự báo thời tiết chính xác cũng như cảnh báo kịp thời cho người dân.

“Thông qua việc đưa các Trạm Rada thời tiết đi vào hoạt động chính thức sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ dự báo thời tiết, đưa ra những cảnh báo kịp thời theo thời gian thực và nâng cao năng lực phòng ngừa thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”- Bộ này cho hay.

Thế Kha