1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ sưu tập những món đồ "độc" tưởng như đã biến mất

Hoàng Lam

(Dân trí) - Vào nhà các cụ cao niên, nhất là những căn nhà xưa, việc đầu tiên của anh Cảnh là tìm đến các góc nhà. Theo kinh nghiệm, nhiều nông cụ cổ thường được các bậc cao niên cất vào đây rồi lãng quên.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 1

Một phần trong bộ sưu tập nông cụ cổ và vật dụng sinh hoạt của anh Đoàn Bá Cảnh (Ảnh: Hoàng Lam).

Trên khoảnh sân trước nhà, anh Đoàn Bá Cảnh (SN 1984, trú xóm Làng Nghè, xã Lăng Thành, Yên Thành, Nghệ An) xếp đầy những món đồ cũ. Có những món đồ tuổi đời vài chục năm nhưng cũng có những thứ tưởng chừng như đã biến mất khỏi cuộc sống hiện đại. Đó là thứ tài sản vô giá mà người đàn ông này cất công sưu tầm, gìn giữ từ hơn 5 năm nay.

Bộ sưu tập nông cụ cổ của người đàn ông xứ Nghệ.

"Trước tôi trưng bày trong một gian phòng riêng, nay đang sửa nhà nên phải để tạm ngoài này đã", anh Cảnh cho biết.

Anh Đoàn Bá Cảnh có thú vui đặc biệt về những món đồ cũ, đặc biệt là nông cụ cổ. Có những cái được người dân thấy không còn tác dụng gì trong sản xuất, để lại chật nhà nên cho anh Cảnh, nhưng cũng có những món đồ anh phải bỏ tiền mua về.

Nếu những chiếc bừa, chiếc cày, dụng cụ nạo cỏ, cối đá, cối xay, gầu sòng... gắn bó với thế hệ 6X, 7X, 8X thì chiếc trục gỗ làm đất hay "hái" để gặt lúa phải có niên đại cả thế kỷ. Đây cũng là món đồ mà anh Cảnh đánh giá là độc đáo, có tuổi thọ và giá trị nhất trong bộ sưu tập của mình.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 2

Anh Cảnh tái diễn cách sử dụng trục làm đất. Khi sử dụng trục gỗ này, với sức kéo của trâu và sức nặng của người, sẽ giúp nhanh chóng làm đất nhuyễn và ruộng bằng phẳng hơn (Ảnh: Hoàng Lam).

"Các cụ ngày xưa hay cất nông cụ, đồ dùng vào góc nhà hay gác trên mái. Ở những ngôi nhà cũ kỹ thỉnh thoảng tôi vẫn tìm thấy một số món đồ có giá trị mà chủ nhà đã lãng quên từ lâu. Bởi vậy, khi đến một căn nhà cũ nào đấy, chủ nhà cho phép, việc đầu tiên của tôi là vào thẳng góc nhà hay tìm kiếm phía trong mái ngói. Chiếc hái cổ này tôi tìm thấy gác trên đường hạ trong nhà một ông cụ gần 100 tuổi", anh Cảnh chia sẻ về thói quen lạ của mình.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 3

Chiếc hái làm bằng một cành tre gấp nguyên bản, không phải chắp nối. Đây là nông cụ có niên đại trên dưới 100 năm và là món đồ được đánh giá là có giá trị lịch sử nhất trong bộ sưu tập của anh Cảnh (Ảnh: Hoàng Lam).

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 4

Cận cảnh chiếc hái - dụng cụ cắt lúa có niên đại trên dưới 100 năm tuổi trong bộ sưu tập của anh Đoàn Bá Cảnh (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo đánh giá của anh Cảnh, chiếc hái này có tuổi đời trên dưới 100 năm, đoạn tay cầm gắn một lưỡi dao đã hoen rỉ, phần "tay" gom lúa đã lên nước bóng loáng. Điều đặc biệt là chiếc hái được làm bằng một đoạn cành tre gấp nguyên vẹn, không phải chắp nối.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 5

Chiếc gầu tát nước đan bằng tre, đã đi vào thơ ca và trở thành một phần hồi ức của những người con lớn lên từ làng quê (Ảnh: Hoàng Lam).

"Trước đây nông dân trồng lúa thường cấy hàng rất thưa nên khi gặt phải dùng phần "hái" để gom cây lúa lại, sau đó với một động tác đẩy ngược chiếc hái lên, đoạn lưỡi dao dưới tay cầm sẽ cắt gọn phần cây lúa vừa gom lại. Cách thu hoạch này khá mất thời gian và năng suất thường không cao nên khi chế tạo ra chiếc liềm thì người dân không dùng nữa", anh Cảnh lý giải.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 6

Chiếc ti vi đen trắng và đài cát-sét một thời từng là đồ xa xỉ trong đời sống của người dân ở các làng quê nghèo (Ảnh: Hoàng Lam).

"Hiện đại" nhất trong bộ sưu tập của anh Đoàn Bá Cảnh là chiếc ti vi đen trắng và đài cát-sét. Đó là minh chứng một cuộc chuyển giao giữa hai giai đoạn lịch sử trên nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 7

Bộ sưu tập các mệnh giá tiền giấy của Việt Nam do anh Cảnh sưu tầm. Hiện nhiều loại tiền và mệnh giá này không còn được phát hành, lưu hành trên thị trường (Ảnh: Hoàng Lam).

Vào thời điểm đó, gia đình nào sở hữu một trong 2 vật dụng này được xếp vào nhà giàu và là địa điểm tập trung của dân làng vào mỗi tối. Chiếc ti vi đen trắng này là thứ giải trí, kết nối cuộc sống làng xã với thế giới bên ngoài. Khi những chiếc ti vi màu "Nhật bãi" tràn về, chiếc ti vi đen trắng bị "thất sủng" và dần bị lãng quên, phủ đầy bụi.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 8

Những chiếc bừa dựng có răng sắt là nông cụ quen thuộc ở các làng quê những năm thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Nay với sự cơ giới hóa mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, chiếc bừa này chỉ còn được sử dụng ở những thửa ruộng nhỏ ở một số khu vực (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong bộ sưu tập của anh Cảnh có nhiều vật dụng được chế tác từ đá như cối xay, trục lúa. Vào thời điểm này, chiếc trục lúa (hòn đá lăn được gắn với hai thanh gỗ hoặc tre, khi kéo trên lớp cây lúa rải đều trên mặt sân, dưới sức nặng của đá, hạt lúa sẽ tách khỏi bông) không còn sử dụng bởi công tác thu hoạch đã được hiện đại hóa dần bằng máy tuốt lúa đạp bằng chân, gắn mô tơ điện hoặc máy gặt lúa liên hoàn.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 9

Một phần bộ sưu tập được treo trên tường nhà, trong đó, ngoài vật dụng sản xuất còn có những vật dụng gắn với một giai đoạn trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc như áo trấn thủ, đèn măng xông, bình đông... (Ảnh: Hoàng Lam).

Trong khi chiếc trục đá không còn nhiều công năng thì ở một số làng quê, cối xay bằng đá dùng để xay đậu, đỗ hoặc xay gạo làm bánh vẫn khá được ưa chuộng. Đặc biệt, với thứ bột gạo xay bằng cối đá này khi tráng bánh cuốn sẽ mang hương vị rất riêng, thứ bột xay bằng máy xay công nghiệp khó sánh bằng. Nhiều chủ quán đã đến đặt vấn đề với anh Cảnh để mua lại, phục vụ cho việc kinh doanh nhưng bị từ chối.

Bộ sưu tập những món đồ độc tưởng như đã biến mất - 10

Trong bộ sưu tầm của anh Cảnh có nhiều vật dụng được chế tác bằng đá, trong đó chủ yếu là cối xay và trục lúa. Chiếc cối xay bột được một người khác đặt vấn đề mua lại nhưng anh Cảnh không bán (Ảnh: Hoàng Lam).

"Tôi sưu tầm nông cụ cổ không phải vì mục đích kinh tế mà vì đam mê và lý do lớn nhất là để lưu giữ lại cho thế hệ sau hiểu về một giai đoạn lịch sử của ông cha ta. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng với sự sáng tạo, cần cù, ông cha ta đã chế tạo ra những vật dụng, đồ dùng để sản xuất, cùng cả nước ăn no, đánh thắng giặc", anh Đoàn Bá Cảnh chia sẻ.