1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Quốc phòng trả lời về việc khám phúc tra nghĩa vụ quân sự

Ngọc Tân

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng cho biết quy định khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự mới đã thống nhất hơn, hạn chế việc thanh niên qua vòng khám sức khỏe tại địa phương nhưng lên đơn vị khám phúc tra lại "ra bệnh".

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về chính sách khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

Cử tri cho biết việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Thông tư 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 giữa Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đang gây khó khăn cho địa phương.

Bộ Quốc phòng trả lời về việc khám phúc tra nghĩa vụ quân sự - 1

(Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Cụ thể, nội dung khám sức khỏe tại địa phương chỉ quy định khám lâm sàng các chuyên khoa, nhưng khi về đơn vị khám phúc tra thì lại khám cận lâm sàng (Điện tim, chụp X-quang, siêu âm,...). Điều này gây khó khăn cho đơn vị giao quân (địa phương) vì nếu tổ chức khám cận lâm sàng thì phải trả kinh phí.

Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết Thông tư 16/2016/TTLT-BYT-BQP hiện đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Bộ khẳng định thông tư mới đã quy định chi tiết nội dung khám lâm sàng và cận lâm sàng thống nhất giữa địa phương giao quân và đơn vị nhận quân khi khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, hạn chế tối đa sót lọt trường hợp bệnh lý không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ.

Trước đó, khi Thông tư 105 chưa có hiệu lực, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để bổ sung các xét nghiệm cận lâm sàng, kinh phí khám cận lâm sàng thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2016.

Thông thường, công dân trong tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ trải qua 2 vòng khám sức khỏe, gồm vòng khám tại địa phương và vòng khám lại (phúc tra) tại đơn vị nhận quân.

Kiến nghị của cử tri dựa trên thực tế nhiều thanh niên khi khám lâm sàng tại địa phương thì đủ điều kiện sức khỏe để nhập ngũ, nhưng khi lên đơn vị, được khám lại lần 2 bằng phương pháp cận lâm sàng thì lại phát hiện bệnh, phải trả về địa phương.

Khám lâm sàng là hình thức khám sức khỏe cơ bản, gồm phỏng vấn để nắm triệu chứng, tiền sử bệnh, bắt mạch, soi mắt, nghe tim phổi, gõ phản xạ gân xương... Khám cận lâm sàng phức tạp hơn, gồm xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm...