Bộ Nội vụ: Xây dựng chính sách đột phá với người có tài

Thế Kha

(Dân trí) - Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ hoàn thiện chính sách về thu nhập và các đãi ngộ để công chức yên tâm cống hiến; xây dựng chính sách đột phá đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sắp tiến hành thẩm định.

Theo cơ quan soạn thảo - Bộ Nội vụ, sau 5 năm được sửa đổi, bổ sung, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức đã bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bộ Nội vụ: Xây dựng chính sách đột phá với người có tài - 1

Trụ sở Bộ Nội vụ (Ảnh: VGP).

Thể chế hóa một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ

Bộ Nội vụ đề xuất một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, gồm: Cơ chế tạo nguồn, thu hút, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Một số quy định của luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng (quản lý cán bộ, công chức; xử lý kỷ luật; thẩm quyền quyết định biên chế công chức và đánh giá, xếp loại chất lượng đối với cơ quan, tổ chức) cũng sẽ được bổ sung ở luật mới.

Ngoài ra, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; việc áp dụng cơ chế quản lý thống nhất giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã; chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật…

Từ đó, Bộ Nội vụ khẳng định yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Nội vụ: Xây dựng chính sách đột phá với người có tài - 2

Kỳ tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ 2024 tại TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Xây dựng chính sách đột phá đối với người có tài năng

Tại dự thảo luật, Bộ Nội vụ cho rằng việc hoàn thiện quy định về vị trí việc làm theo hướng xác định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá cán bộ, công chức rất cần thiết.

Quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với cơ quan hành chính có nguồn thu theo quy định của pháp luật.

Cơ chế quản lý cán bộ, công chức được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số.

Đây được coi là phương án tối ưu đáp ứng yêu cầu "cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo" theo Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với nhiệm vụ "hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức" tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Các điều, khoản về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đánh giá tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành liên quan đến vị trí việc làm cũng được cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi toàn diện. Trong đó, sửa đổi các quy định về quản lý cán bộ, công chức theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong công tác cán bộ.

Dự thảo luật đưa ra quyền của cán bộ, công chức được khuyến khích, bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ; nghĩa vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm với công việc. Nghiêm cấm biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quy chế của cơ quan, tổ chức hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng.

Đồng thời, theo Bộ Nội vụ, sẽ có cơ chế loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Xây dựng cơ chế để bồi dưỡng, sàng lọc, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ khi đang ở môi trường học tập.

Luật mới cũng dự kiến xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc có vào - có ra, có lên - có xuống; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.

Hoàn thiện chính sách về thu nhập và các đãi ngộ đủ mạnh để công chức yên tâm công tác, cống hiến; xây dựng chính sách "đột phá" đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ.

 Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, quyết định mọi việc

Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, "quyết định mọi việc", "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Dự kiến, dự án luật trên sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 11/2025.