Bộ Ngoại giao lên tiếng việc tàu Trung Quốc “quần thảo” lô dầu khí Việt Nam
(Dân trí) - Về việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục hoạt động thăm dò quanh lô dầu khí thuộc Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định lực lượng chức năng vẫn giám sát chặt mọi động thái trên Biển Đông…
Tại cuộc họp báo chiều 20/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận được đề nghị của báo chí nước ngoài xác nhận và bình luận về thông tin, cơ sở dữ liệu về tàu biển cho thấy, 1 tháng qua, tàu hải cảnh 5402 của Trung Quốc liên tục tuần tra, có hoạt động thăm dò quanh lô dầu 6.01 khu vực thuộc vùng thềm lục địa của Việt Nam. Khi tàu này vừa mới dời đi vào thứ 3 vừa qua, 18/8, thì thay vào đó lại tới tàu hải cảnh 5202 vào hoạt động ở khu vực này.
Nêu quan điểm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, như Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan tại các vùng biển được xác lập phù hợp với công ước luật biển 1982.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng quả quyết, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi động thái trên Biển Đông và thực thi pháp luật một cách hòa bình, hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền và các quyền cũng như lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Về thông tin hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tràn xuống Biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc hết hiệu lực, bà Hằng bình luận: “Quan điểm của Việt Nam về cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông đã được nêu rất rõ”.
Trong khuôn khổ cuộc họp báo, báo giới cũng đặc biệt quan tâm phản ứng của Việt Nam với việc Trung Quốc điều oanh tạc cơ H6J tới đảo Phú Lâm hồi đầu tháng 8 vừa qua?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa nhắc lại, phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việc các bên đưa các loại máy bay chiến đấu cũng như các loại vũ khí nói chung ra Hoàng Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi các bên phải có nhưng đóng góp có trách nhiệm với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông” - bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Trao đổi với PV Dân trí liên quan đến việc 2 ngày qua, thủy điện phía Trung Quốc xả nước gây lũ tràn về sông Hồng ở phía Việt Nam, cơ chế trao đổi ngoại giao giữa 2 quốc gia về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận định, cơ quan ngoại vụ địa phương Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan ngoại vụ địa phương ở Việt Nam về đợt xả lũ.