1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Bỏ HĐND cấp quận và phường, được gì?

"Chúng ta có quá nhiều đại biểu nhân dân. Nhiều đến mức chỉ tính riêng việc tiếp xúc cử tri thôi cũng đủ khiến... xây xẩm mặt mày" - PGS-TS Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TPHCM bày tỏ quan điểm.

TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng quan tâm và sớm có ý kiến chỉ đạo đối với đề án thí điểm chính quyền đô thị, đồng thời chỉ đạo Bộ Nội vụ nhanh chóng triển khai nghiên cứu đề án thí điểm việc không tổ chức bầu HĐND huyện, quận, phường (riêng xã thì vẫn duy trì) và hướng dẫn TP thực hiện.

Trước khi thành phố có kiến nghị này, PGS-TS Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TPHCM cũng đã tỏ quan điểm nên bỏ HĐND quận, huyện, phường. “TP có những đặc trưng riêng của một đô thị lớn, đòi hỏi chính quyền phải hết sức tập trung và hết sức thống nhất” - ông Sen nói.

Cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả

Thưa ông, vì sao cần phải xóa bỏ hai cấp này, phải chăng vì hiện nay HĐND phường, quận không phát huy hiệu quả?

Chúng ta cần có một chính quyền tập trung cao nhất nên phải “cắt bỏ” những cấp không cần thiết. HĐND ba cấp (tỉnh, huyện, xã) hiện nay đã trở nên quá cồng kềnh, lạc hậu. Chúng ta có quá nhiều đại biểu nhân dân. Nhiều đến mức chỉ tính riêng việc tiếp xúc cử tri thôi cũng đủ khiến... xây xẩm mặt mày!

Trước khi họp HĐND, phường cũng tiếp xúc cử tri, quận cũng tiếp xúc. Họp xong rồi, lại tiếp xúc... Mà thật ra các vấn đề trình bày ở đó trùng lắp rất nhiều. Chỉ có các vấn đề của một địa phương mà đại biểu cấp nào cũng phải nghe. Có một điều thôi mà đại biểu cấp nào cũng nói. Người làm thì ít mà người nói thì quá nhiều. Rồi còn giám sát nữa, mỗi năm hàng trăm cuộc giám sát, rất lãng phí.

Do có quá nhiều cấp đại biểu của dân, quá nhiều cuộc giám sát dẫn đến chuyện cùng một việc mà nhiều người nói, nhiều người trình bày rất trùng lắp. Chẳng hạn, chỉ có cái cầu Dần Xây mà đại biểu Quốc hội cũng nói, rồi đại biểu TP cũng nói, đại biểu quận cũng nói. Vậy là chúng ta tạo cơ hội để nói nhiều hơn làm! Trùng lắp đến mức có ông chủ tịch quận đi họp không cần ghi chép gì vì những điều đó ông đã nghe đến mức thuộc lòng!

Hay dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè bị chậm trễ. Hết đại biểu Quốc hội giám sát đến đại biểu TP giám sát, rồi quận giám sát, phường giám sát. Quá nhiều cấp giám sát nhưng sai sót kéo dài hết tháng này đến tháng khác không khắc phục được. Sao giám sát nhiều như thế mà chẳng mang lại hiệu quả gì? Đơn giản, có quá nhiều anh giám sát thì trách nhiệm không rõ ràng, chẳng biết thuộc về ai cả.

Việc sử dụng cán bộ cũng bị lãng phí. Các HĐND tập trung rất nhiều phòng, ban cho nên phải phân công cán bộ chủ chốt qua lãnh đạo. Bản thân những người này cũng không thích vì công việc không nhiều mà lại không trực tiếp nên không phát huy hết năng lực.

Nghĩa là có quá nhiều lý do để bỏ HĐND hai cấp quận, phường?

Đúng vậy. Tôi ví dụ, ra một quyết định hiện nay là quá chậm vì phải xin quá nhiều cấp. Đến khi thi hành lại có quá nhiều người chỉ đạo. Lại nữa, hiện nay có chuyện rất bất hợp lý là việc của quận nào thì quận đó lo! Nên dẹp bỏ chuyện đoạn đường này là của quận này, quận này lo, đoạn đường kia thuộc quận kia thì do quận kia lo. Đường là phải do cấp TP quản lý thống nhất. Đâu có cái chuyện TP đã quyết mà xuống quận lại phải xin, qua phường lại phải tìm cách làm cho phường vui vẻ mới làm việc được?!

Bỏ hai cấp HĐND như vậy, ngoài việc thu về một mối thống nhất trong quản lý, ta còn được gì nữa, thưa ông?

Xóa bỏ là để tạo ra một lực lượng mới, một guồng máy làm việc mới: gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn. Ta sẽ có thêm đội ngũ cán bộ mới để bố trí lại, có thêm lực lượng để làm. Chúng ta cần người làm chứ không cần người nói. Chính quyền đô thị là chính quyền năng động mà cái gì cũng kéo dài như hiện nay thì mệt. Điều này là để HĐND cấp TP mạnh hơn, tập trung hơn, làm việc khoa học, đều tay hơn, có trách nhiệm hơn và sâu sát dân hơn. 

HĐND TP phải thực sự độc lập

Vậy chúng ta sẽ xây dựng HĐND TP như thế nào để có thể đảm trách được công việc của một chính quyền đô thị hiện đại?

Tôi nghĩ cần phải có một cấp HĐND TP thực sự độc lập và tập trung. Ngân sách phải đủ lớn để hội đồng này làm việc. HĐND TP cần phải có cán bộ toàn thời gian để chuyên tâm làm việc chứ không phải kiêm nhiệm quá nhiều thứ như hiện nay.

Lực lượng chuyên trách của HĐND TP phải tăng cường, tăng lực lượng cán bộ phục vụ cho HĐND. Bộ máy HĐND TP phải làm việc nhiều hơn, các ban chuyên trách cũng phải làm việc nhiều hơn. Có thể các ban này phải có văn phòng đại diện để tiếp dân ở các khu vực...

Dồn về hết một cấp như mô hình này, liệu HĐND TP có bị quá tải?

Tất nhiên với tình hình hiện nay chúng ta sẽ bị quá tải. Cần quyết liệt đổi mới nhưng cũng cần có lộ trình và thời gian. Trước mắt, chúng ta hãy xóa bỏ HĐND cấp quận và cấp phường, đồng thời tăng cường HĐND cấp TP. Như vậy thì mô hình chính quyền mới cũng sẽ bắt đầu chuyển mình thôi.

Theo đánh giá của ông, mất khoảng bao lâu chúng ta sẽ có một chính quyền đô thị hiện đại?

Càng đi nhanh càng tốt. Trong vòng năm năm tới, TP phải nên thí điểm nhanh mô hình này. Đến khoảng năm 2020, chúng ta phải có một chính quyền hiện đại và phải tương xứng với các nước trong khu vực, hiện đại hơn thì càng tốt.

TPHCM phải làm đầu tàu trong công cuộc cải cách quan trọng này. Tôi mong trung ương hãy giúp đỡ TP trong sự nghiệp tiên phong để xây dựng một chính quyền đô thị hiện đại và hiệu quả.

Xin cảm ơn ông.

Theo Minh Cường
Pháp luật TPHCM