1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ GTVT nói gì về việc tính sai 1.900 tỷ đồng Dự án mở rộng Quốc lộ 1?

(Dân trí) - “Bộ GTVT thống nhất áp dụng một số cơ chế đặc thù cho các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, trả lương cho người lao động... Tổng vốn dự án điều chỉnh các hạng mục để phù hợp thực tế, theo đúng quy định. Không có chuyện tham nhũng, lãng phí trong Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1”.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho PV Dân trí biết như vậy sáng nay (7/6), khi trả lời về kết quả thanh tra Dự án mở rộng Quốc lộ 1 mà Bộ Tài chính vừa công bố mới đây.

Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính nhấn mạnh Bộ GTVT đã tính sai gần 1.900 tỷ đồng cho Dự án mở rộng Quốc lộ 1, với những sai phạm trong việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư, lập tăng cao về khối lượng và đơn giá, tăng cao về chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng khối lượng và chi phí khác… Thứ trưởng lý giải như thế nào về vấn đề này?

Việc tăng chi phí của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 là do tổng mức đầu tư tăng lên, tăng vốn dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng. Hiện nay số vốn này chưa sử dụng đến mà vẫn để dự phòng trong thời gian 3 năm, phòng khi có vấn đề xảy ra thì có nguồn đề chi. Những cái tăng đó chưa sử dụng nên không phải là vấn đề thất thoát, lãng phí.

Bộ GTVT có đồng tình với kết quả thanh tra của Bộ Tài chính hay không thưa Thứ trưởng?

Hiện Bộ GTVT đang giải trình tất cả các vấn đề trong kết luận của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1 cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2015 nên Bộ GTVT thống nhất áp dụng một số cơ chế đặc thù cho các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, trả lương cho người lao động... Tổng vốn dự án điều chỉnh không phải do thất thoát, tham nhũng mà việc điều chỉnh các hạng mục để phù hợp thực tế, theo đúng quy định.

Bộ GTVT cam kết không có tham nhũng, lãng phí trong dự án này?

Không có chuyện tham nhũng, lãng phí trong Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Thưa Thứ trưởng, dư luận rất quan tâm đến việc đặt các trạm thu phí “nhầm” chỗ khiến người dân không đi trên tuyến cũng phải nộp phí (như trạm Phước Tượng - Phú Gia ở Thừa Thiên Huế), Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về việc này?

Bộ GTVT đã rà soát tất cả các trạm thu phí hiện nay trên toàn quốc, về cơ bản cự ly các trạm và vị trí đặt trạm là đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên có một số trạm thu phí trước đây đặt thu phí để hoàn vốn cho các dự án khác, nhưng vì thời gian thu phí không còn nhiều nên Bộ GTVT cũng kiến nghị với Chính phủ tiếp tục để doanh nghiệp thu, đến khi kết thúc dự án đó thì sẽ không để lặp lại việc thu phí như vậy nữa.

Có một số dự án do xây dựng các công trình hầm, cầu nên phải đặt trạm thu phí ở các vị trí khác, trong khi các trạm thu phí đã có lại rất gần và không đủ cự ly 70km. Giải pháp của Bộ GTVT là dời trạm thu phí, đảm bảo để cho các doanh nghiệp và người dân khi đi qua trạm không bị thiệt hại về tài chính.

Với trường hợp trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia vị trí đặt ở phía Nam hầm Hải Vân, tới đây khi chúng tôi làm hầm Hải Vân 2 thì sẽ kết hợp trạm của hầm mới với trạm Phú Gia - Phước Tượng hiện tại là 1 để thực hiện thu phí cho cả 2 dự án, đáp ứng được việc không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo để hoàn vốn cho 2 dự án.

Đối với các trạm BOT trước kia đã lùi hạn tăng phí thêm 6 tháng như trạm Hòa Bình, Mỹ Lộc, trạm thu phí trên cao tốc của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam… Đến nay đã hết thời gian giãn hạn thì sẽ tính toán như thế nào?

Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, các doanh nghiệp đến thời điểm tăng phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thì tiếp tục giãn hạn chưa tăng, trước mắt là từ nay đến hết năm 2016 sẽ không tăng phí qua các trạm BOT.

Bộ GTVT khẳng định không tăng phí đường bộ đến hết năm 2016
Bộ GTVT khẳng định không tăng phí đường bộ đến hết năm 2016

Số lượng trạm thu phí BOT hiện nay tương đối lớn đã tác động đến xã hội, đến doanh nghiệp, người dân. Bộ GTVT có giải pháp gì về hình thức đầu tư hạ tầng nhưng tránh được những ảnh hưởng và thiệt hại tài chính cho người dân?

Chúng tôi sẽ đưa ra những đề xuất mới cho các giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất, tập trung vào đầu tư các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Nam. Thứ hai, nâng cấp các tuyến nối liền trung tâm kinh tế với nhau, trên cơ sở nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Thứ ba, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư hạ tầng. Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ cùng các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư hợp lý hơn, mức phí hợp lý hơn, thời gian hoàn vốn hợp lý hơn.

Trong thời gian tới, việc đầu tư các dự án BOT phải lựa chọn để đảm bảo các lợi ích, trong đó là lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp để tránh tăng chi phí vận tải. Tập trung đầu tư vào các tuyến để người dân có sự lựa chọn, nếu người dân, doanh nghiệp không muốn đi vào tuyến cao tốc thì có thể đi vào tuyến đường còn lại, như vậy có sự công bằng hơn. Tập trung vào công nghệ mới để giảm suất đầu tư xuống, mục tiêu là giảm mức phí xuống, thời gian thu phí ngắn hơn.

Sắp tới sẽ đầu tư vào các tuyến cao tốc là chủ yếu còn những tuyến không phải là cao tốc người dân sẽ không phải đóng phí hoặc đóng phí thấp hơn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)