Bộ GTVT: Chậm nhất đến 15/9 phải giảm phí đường bộ

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu các Ban Quản lý dự án (QLDA) và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về phương án, giải pháp và lộ trình giảm thu phí đường bộ trên quốc lộ, cao tốc. Chậm nhất đến ngày 15/9 phải giảm phí đường bộ.

Chậm nhất đến ngày 15/9 sẽ áp dụng mức phí đường bộ mới theo hướng điều chỉnh giảm
Chậm nhất đến ngày 15/9 sẽ áp dụng mức phí đường bộ mới theo hướng điều chỉnh giảm

Về mức giảm, sẽ giảm 15%, tương ứng với 10.000 đồng/lượt đối với nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt) và nhóm 2 (xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn). Với nhóm 4 và nhóm 5, mức giảm sẽ là 20%, tương ứng với 20.000 đồng và được thực hiện thống nhất đối với tất cả các trạm.

Được biết, Ban Đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) và các Ban QLDA được giao nhiệm vụ tiến hành điều chỉnh hợp đồng đối với phương án tài chính của các dự án BOT và yêu cầu các nhà đầu tư BOT tiến hành triển khai việc thay đổi phần mềm, vé khi điều chỉnh mức phí, phục vụ kịp thời, không ảnh hưởng đến quá trình thu phí.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ này sẽ có văn bản thống nhất với Bộ Tài chính theo tinh thần yêu cầu giảm phí ngay, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư theo hướng rút gọn, chậm nhất đến ngày 15/9 sẽ áp dụng mức phí mới; đồng thời đề nghị Bộ Tài chính thực hiện các quy định trong Thông tư này đối với các trạm thu phí mới.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản đồng ý với các kiến nghị của Bộ Tài chính về phương án, giải pháp và lộ trình giảm thu phí đường bộ trên quốc lộ, cao tốc. Giảm 10 - 15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của các trạm có mức thu tối đa theo Thông tư 159.

Phó Thủ tướng đồng ý giảm từ 10 - 20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), nhóm 2 (xe từ 12 ghế tới 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của 5 trạm có mức thu phí cao nhất nói trên để đảm bảo tương đồng với các trạm thu phí khác.

Các dự án được giảm phí áp dụng đối với các dự án có tổng mức đầu tư giảm so với phương án duyệt so một số dự án do rút ngắn tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng không hết chi phí dự phòng, lãi vay trong thời gian xây dựng giảm so với phương án phê duyệt… dẫn đến tổng mức đầu tư thực tế giảm so với ban đầu được phê duyệt; Dự án có doanh thu thực tế cao hơn dự báo trong phương án tài chính của Hợp đồng BOT; giảm chi phí đầu tư dự án do được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bộ GTVT cho hay, đối với các trạm đang thu sẽ có thêm 26 trạm nữa phải tiếp tục giảm phí. Sau khi có văn bản của Phó Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, đến nay đã có một số nhà đầu tư chủ động đề xuất giảm phí như: Công ty Cổ phần TASCO đề xuất giảm phí tại trạm Quảng Bình trên quốc lộ 1, giảm phí từ ngày 1/9.

Hiện nay cả nước có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý, trong đó có 45 trạm đang thu (trên quốc lộ và cao tốc), trong đó có 16 trạm đang thu theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC và 29 trạm thu theo mức của Thông tư 159/2013/TT-BTC. Trong đó có 5 trạm có mức thu cao nhất gồm 2 trạm trên quốc lộ 5, 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy Quốc lộ 1 (tỉnh Nghệ An) và Trạm Cầu Gianh Quốc lộ 1 (tỉnh Quảng Bình).

Châu Như Quỳnh