Bộ Giao thông vận tải đề xuất 5 chính sách thu hút vốn cho đường sắt đô thị
(Dân trí) - Phát hành trái phiếu Chính phủ, từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương là những đề xuất của Bộ Giao thông vận tải để huy động vốn thực hiện dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Bộ Giao thông vận tải mới có tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đến năm 2035.
Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu rõ, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM bắt đầu triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố.
Theo Bộ GTVT, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố, gắn kết phát triển giao thông với phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển giao thông xanh,...
Bộ GTVT cho rằng, các thành phố lớn trên thế giới đều ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải đô thị; là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông đô thị.
Đối với Hà Nội và TPHCM xác định mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý; trong đó, đến năm 2035, phấn đấu cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị theo các quy hoạch đã được duyệt, đảm nhận 30-40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Để huy động vốn, Bộ GTVT đề xuất 5 chính sách lớn.
Thứ nhất là trao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ để huy động vốn trong một số trường hợp.
Cụ thể, trong quá trình chuẩn bị đầu tư theo mô hình TOD Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.
Thủ tướng cũng được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án đường sắt đô thị trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ; việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án đường sắt đô thị và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Thứ hai, ngân sách Trung ương cân đối, bố trí vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và 2031- 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD và thực hiện đầu tư.
Thứ ba, hội đồng nhân dân thành phố có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương trong kỳ trung hạn và hàng năm, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án đường sắt đô thị.
Thứ tư, bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của dự án sang kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo.
Thứ năm, UBND TP được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, quyết định bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm để triển khai hoạt động trước đối với dự án đường sắt đô thị.
Bộ GTVT cho biết, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông dài 13km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy) chiều dài khoảng 8,5km. TPHCM đã vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên khoảng 19,7km.
Bộ GTVT đánh giá, việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại 2 thành phố còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua nên cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới.