Quảng Nam:
Bộ đội ngủ cùng vắt rừng, ăn cùng ruồi vàng trong thời dịch Covid-19
(Dân trí) - Giữa rừng già đại ngàn Trường Sơn, lực lượng Bộ đội Biên phòng dựng chốt, nằm gai nếm mật, ăn ngủ cùng vắt rừng, ruồi vàng để kiểm tra đường biên, thắt chặt kiểm soát dịch bệnh.
Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang huyện Nam Giang, Quảng Nam thông thương với huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào những ngày này được kiểm tra nghiêm ngặt người và xe qua lại.
Để đảm bảo nơi biên cương trong mùa dịch Covid-19, đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang lập thêm nhiều chốt giữa rừng già dọc đường biên nhằm kiểm tra, kiểm soát người qua lại theo các đường mòn, lối mở.
Từ cửa khẩu Nam Giang, xuôi theo quốc lộ 14Đ và rẽ phải vào đường bê tông mất gần 30 phút. Hết đường bê tông, gửi xe đi bộ mới đến chốt kiểm dịch tại cột mốc 723 giữa rừng già Trường Sơn. Nơi đây thuộc thôn Đắc Bên, xã La Dêê, huyện Nam Giang.
Trung tá Vũ Công Quynh – phụ trách chốt kiểm dịch tại cột mốc 723 cho hay, đoạn đường khoảng 4km nhưng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới đến nơi. Đây là chốt kiểm dịch được xem là gần nhất. Còn những chốt khác ở xa, đi bộ đường rừng gần một ngày mới đến nơi.
Đường vào chốt kiểm dịch tại cột mốc 723 ít có đoạn nào bằng phẳng, qua nhiều ruộng lúa bậc thang của đồng bào đang thì con gái, nhiều cánh rừng già với dốc cao dựng đứng với đá núi lởm chởm…
Trên đường vào chốt, một bên là suối, thác đổ ầm ì ngày đêm, một bên là vách núi dựng đứng. Phải đi thật cẩn thận, có lúc phải bò 2 tay 2 chân mới vượt qua đoạn dốc đứng. Nếu không may sảy chân thì rất nguy hiểm…
Rừng già che phủ, giữa trưa nhưng ánh mặt trời không thể xuyên qua kẽ lá. Vắt, ruồi vàng nhiều vô kể. Độc nhất là loại ruồi vàng, loại này chỉ bé như con muỗi và cắn không đau nhưng anh em lính biên phòng cho biết, khi bị con này cắn, chỉ nửa ngày là cả người nổi giác và ngứa kinh khủng.
Đối với những người lâu ngày phải đi núi, để vượt qua đoạn đường này thật khó khăn và mất rất nhiều sức. Có người phải dừng nghỉ nhiều lần mới có sức đi tiếp. Còn với những anh lính biên phòng vừa đi băng băng vừa gùi hàng hóa trên lưng.
Gần 1 giờ băng rừng lội suối, chốt kiểm dịch tại cột mốc 723 cũng hiện ra. Trung tá Vũ Công Quynh cho hay, chốt kiểm dịch này được dựng lên từ giữa tháng 3 với biên chế 8 cán bộ được chia ra 2 tổ thay trực phiên nhau. 1 tổ 4 người trực tại chỗ, 4 người khác đi tuần tra. Tổ nào đi về lại chốt thì 4 người khác tiếp tục đi. Cứ thế thay phiên nhau tuần tra, canh giữ biên giới.
Theo Trung tá Vũ Công Quynh, chốt kiểm dịch ở cột mốc 723 này được coi là thuận lợi hơn nhiều so với nhiều chốt ở các điểm khác. Cứ nửa tháng, cán bộ ở các chốt này lại được “luân chuyển” từ chỗ khó sang chỗ dễ và ngược lại.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn – cán bộ tại chốt kiểm dịch này chia sẻ: “Xác định chốt kiểm dịch này sẽ kéo dài và phức tạp nên anh em động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi lên điểm đặt chốt này, anh em tiến hành phát hoang, cải tạo mảnh đất hiếm hoi tại chốt để trồng rau, nuôi vịt… ngoài lương thực, thực phẩm gùi vào”.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn cho biết, tại chốt kiểm dịch này không có điện, không có sóng điện thoại nên “cô lập” với bên ngoài. Khi được cấp trên điều động đến chốt làm nhiệm vụ, anh phải làm công tác tư tưởng với gia đình, vợ con. Cả tháng nay, tất cả anh em ở chốt đều không liên lạc với gia đình.
Điều an ủi với các anh làm nhiệm vụ là được bà con nhân dân trong thôn, các ban ngành, đoàn thể băng rừng vào động viên, chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần. Bà con các thôn ở gần chốt có gì mang nấy vào cho các anh. Có gì trong nhà bà con tặng nấy, có khi con gà con vịt, có khi mớ rau, nải chuối…
“Khi có bà con, lãnh đạo địa phương vào thăm hỏi, chia sẻ anh em chúng tôi rất cảm động, vững tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi rất cảm động và cảm ơn tấm lòng của đồng bào và ban ngành…”, Thiếu tá Nguyễn Đức Thuấn tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đỗ Xuân Trinh – Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang – cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý tuyến biên giới với nước bạn Lào dài hơn 31km với 11 cột mốc từ mốc 716 đến 726.
Để thực hiện tốt công tác kiểm soát biên giới cũng như phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian vừa qua, Đồn đã triển khai 4 chốt với biên chế từ 5-9 cán bộ, chiến sĩ mỗi chốt; tập trung tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở.
“Trên cơ sở đó, Đồn làm tốt công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân ở vùng biên giới chấp hành pháp luật tốt hơn cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn”, Trung tá Đỗ Xuân Trinh cho biết.
Theo Trung tá Đỗ Xuân Trinh, đối với chốt tại cột mốc 723 là chốt tương đối dễ, đi bộ khoảng gần tiếng là đến. Còn với chốt số 2 hay 3 đi khá gian nan, vất vả. Để đến được các chốt này phải đi cả nửa ngày mới đến, đường đi rất khó, băng qua rừng già và phải băng qua nhiều thác, dốc rất lớn.
Để đảm bảo lương thực và thực thẩm, hàng tuần các chốt đều báo về. Trên cơ sở đề xuất của chốt, Đồn chuẩn bị mua sắm và vận chuyển vào tận nơi để đảm bảo anh em đầy đủ sức khỏe, yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
Để động viên lực lượng biên phòng đang ngày đêm canh giữ biên giới, ngày 15/4, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã đến tận nơi động viên và tặng quà đến các chiến sĩ tại chốt ở cột mốc 723 cùng toàn bộ lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới.
Ông Lê Trí Thanh động viên: “Công tác phòng, chống dịch bệnh có thể sẽ còn kéo dài, do đó chúng ta cần xác định tư tưởng để tập trung nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh, phức tạp có thể xảy ra trên địa bàn”.
Cũng trong ngày 15/4, tại cửa khẩu Nam Giang, ông Lê Trí Thanh đã trao tặng chính quyền huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) hơn 10.000 khẩu trang y tế và 1.000 chai nước sát khuẩn cùng một số trang thiết bị y tế phục vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Đắc Chưng.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng, đây là món quà nhỏ nhưng thể hiện tình cảm của người dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam dành cho nhân dân huyện Đắc Chưng để cùng chung tay chống dịch Covid-19.
Công Bính