1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an vào cuộc điều tra tiêu cực tại 2 gói thầu xe buýt Hà Nội

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình vừa chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và Tham nhũng (C46 - Bộ Công an) và Thanh tra Chính phủ làm rõ những tố cáo về tiêu cực trong 2 gói thầu xe buýt do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.

Trước đó, trung tuần tháng 3/2016, một nhà thầu đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) tố cáo những hành vi gian lận hồ sơ trong việc đấu thầu gói thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tuyến số 72 và tuyến số 82 do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Phó Thủ tướng) chỉ đạo: Giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung tố cáo của đơn vị trên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ và C46 - Bộ Công an làm rõ tố cáo tiêu cực trong 2 gói thầu xe buýt do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ và C46 - Bộ Công an làm rõ tố cáo tiêu cực trong 2 gói thầu xe buýt do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư.

Sở GTVT Hà Nội sau đó đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội. Căn cứ nội dung Sở GTVT Hà Nội gửi lên, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, song bản báo cáo này bị cho là “nội dung báo cáo sơ sài, không đúng thời hạn” - công văn số 4865 của Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Công văn này của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ, UBND TP Hà Nội cần rút kinh nghiệm về việc chưa thực hiện nghiêm tục chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) và các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung tố cáo của Công ty TNHH B.Y., báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 7/2016.” - công văn số 4865 ngày 16/6/2016 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

Liên quan đến sự việc tiêu cực trong 2 gói thầu trên, một số cơ quan báo chí đã phản ánh, dù không cung cấp đủ phương tiện trong vòng 60 ngày cho tuyến buýt số 72 như các điều khoản đã cam kết, một đơn vị vẫn được Sở GTVT Hà Nội tiếp tục cho triển khai gói thầu.

Lý giải về việc chậm tiến độ, thông tin trên báo Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) - cho biết, do phía đối tác cung cấp linh kiện bị chậm tiến độ nên biện pháp cung cấp đã bị thay đổi do yếu tố khách quan, đồng thời là lỗi của bên thứ ba. Ông Hải cho rằng, đây là trường hợp “bất khả kháng” và không lường trước của Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây và Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông.

“Đáp lại” quan điểm “bất khả kháng” của Sở GTVT Hà Nội, ngày 23/6, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có văn bản số 555 gửi Sở GTVT Hà Nội nêu rõ: “Theo nội dung yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì “bất khả kháng” không bao gồm trường hợp do phát sinh lỗi của bên thứ ba. Do đó, việc hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu bổ sung trường hợp bất khả kháng như nêu trên sẽ dẫn đến không đảm bảo công bằng với các nhà thầu khác tham dự thầu, tạo điều kiện cho nhà thầu trúng thầu không thực hiện hợp đồng theo đúng cam kết nêu trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng với lý do “phát sinh lỗi của bên thứ 3”.”

“Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bổ sung trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng như nêu trên dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không đảm bảo tiến độ, chất lượng; không đảm bảo hiệu quả trong sử dụng vốn nhà nước thông qua đấu thầu; nhà thầu trúng thầu vi phạm hợp đồng nhưng không bị xử lý vì lý do bất khả kháng” - văn bản do Cục trường Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương ký nhấn mạnh.

Tiến Nguyên