1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp trực trợ giúp pháp lý

Hải Nam

(Dân trí) - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn.

Bộ Công an và Bộ Tư pháp vừa tổ chức lễ ký chương trình phối hợp giữa hai Bộ về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. 

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Tư pháp trình bày về sự cần thiết xây dựng chương trình phối hợp về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Theo đó, hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã có nhiều quy định mới về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý cũng quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được hưởng quyền trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. 

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp trực trợ giúp pháp lý - 1

Toàn cảnh buổi lễ (Ảnh: BCA).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng theo quy định pháp luật, Cục Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an xây dựng Chương trình phối hợp về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Chương trình ký kết gồm: Phạm vi thực hiện, hình thức trực; nhân lực thực hiện; cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý và nhiệm vụ của người trực, người hỗ trợ trực, trách nhiệm của các cơ quan và tổ chức thực hiện. 

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm, nhấn mạnh, việc 2 Bộ ký kết Chương trình về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự đã thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, thiết thực của hai Bộ trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được trợ giúp pháp trong việc tiếp cận thông tin về trợ giúp pháp lý ở giai đoạn điều tra hình sự; hướng tới việc lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm việc ký kết.

Sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn, hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó góp phần hỗ trợ các điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng và cũng góp phần nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như công tác điều tra.

Bộ Công an và Bộ Tư pháp phối hợp trực trợ giúp pháp lý - 2

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp (Ảnh: BCA).

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các đơn vị chức năng thuộc mỗi Bộ sẽ tiếp tục phối hợp, giúp cho liên ngành sớm tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình phối hợp. Hai ngành cần tiếp tục tập huấn nâng cao trình độ cho trợ giúp viên pháp lý, cán bộ điều tra, cán bộ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ cơ sở giam giữ, Công an cấp xã.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã được thực hiện ngày càng chặt chẽ toàn diện trên các mặt công tác.

Ông khẳng định, việc ký kết quy chế phối hợp sẽ góp phần đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, tạo niềm tin cho người dân và phát huy mạnh mẽ tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta trong hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế và các đối tượng chính sách; góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm