1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ Công an: Sẽ đột xuất kiểm tra cư trú

Thế Kha

(Dân trí) - "Việc kiểm tra cư trú của Công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến".

Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, thẩm quyền đăng ký thường trú gồm: Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

"Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú và được cập nhật thông tin về nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Việc cập nhật thông tin nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú được thực hiện bằng phương tiện điện tử"- dự thảo nêu rõ.

Bộ Công an: Sẽ đột xuất kiểm tra cư trú - 1

(Ảnh minh họa)

Kiểm tra định kỳ và đột xuất

Trường hợp người đăng ký thường trú chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi đăng ký thường trú phải thực hiện thu thập, cập nhật thông tin dân cư theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, dự thảo thông tư cho biết hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.

"Việc kiểm tra cư trú của Công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến"- dự thảo nêu.

Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về cư trú

Theo dự thảo, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về cư trú và xử lý thông tin đó theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Việc tiếp nhận thông tin thông qua các hình thức: Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú; điện thoại, đường dây nóng; hòm thư góp ý, hộp thư điện tử; Cổng dịch vụ công, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an…

Bộ Công an yêu cầu các thông tin phản ánh của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về cư trú phải được cơ quan đăng ký cư trú ghi lại, trong đó thể hiện rõ thời gian, địa điểm xảy ra, nội dung, diễn biến liên quan đến tổ chức, cá nhân nào.

Khi công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức phản ánh thông tin thì cần đề nghị họ cho biết họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ để cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có văn bản trả lời khi cần thiết.

Đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài

Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch;

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam có hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú ngoài giấy tờ, tài liệu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 Luật Cư trú phải có giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn giá trị sử dụng và có dấu kiểm chứng nhập cảnh Việt Nam của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh;  

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, đã nhập cảnh và đang tạm trú tại Việt Nam bằng hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ có giá trị thường trú ở nước ngoài, do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì trong hồ sơ đăng ký thường trú ngoài các giấy tờ, tài liệu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 21 Luật Cư trú thì phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam về quốc tịch và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm