1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ Công an giải thích vì sao dựng tượng đài chiến sĩ CSGT và PCCC

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Từ nay đến ngày 20/7, Bộ Công an sẽ chủ trì khánh thành quần thể tượng đài lực lượng CSGT, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, gồm 7 nhân vật.

Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022), từ nay đến ngày 20/7, Bộ Công an sẽ chủ trì khánh thành quần thể tượng đài lực lượng CSGT, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Tượng đài trên được xây dựng giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất, đoạn gần ngã ba giao nhau giữa phố Trần Nhân Tông và phố Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Bộ Công an giải thích vì sao dựng tượng đài chiến sĩ CSGT và PCCC - 1

Tượng đài được xây giáp tường bao của Công viên Thống Nhất, đoạn ngã ba giao giữa phố Trần Nhân Tông và Quang Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo quan sát của phóng viên, phần chính của công trình là tượng các nhân vật, biểu tượng đã cơ bản xong; lực lượng thi công đang chuẩn bị lát đá mặt sân và hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình này.

Tượng đài có 7 nhân vật, gồm 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, một phụ nữ lớn tuổi và một em nhỏ. Ngoài ra, tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa.

Tượng đài tái hiện công việc thường ngày của lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH, rất gần gũi với nhân dân. Cụ thể, nam chiến sĩ CSGT giúp một phụ nữ lớn tuổi qua đường, nữ CSGT điều tiết giao thông; 2 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH làm nhiệm vụ cứu hỏa, chiến sĩ còn lại bế em bé trên tay - thể hiện vừa cứu em nhỏ này khỏi đám cháy.

Bộ Công an giải thích vì sao dựng tượng đài chiến sĩ CSGT và PCCC - 2

Tượng đài gồm 7 nhân vật: 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ PCCC và CNCH, một phụ nữ và một em nhỏ. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Bộ Công an giải thích vì sao dựng tượng đài chiến sĩ CSGT và PCCC - 3

Tượng đài nhìn ra hồ Thiền Quang. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Về lý do tại sao Bộ Công an chọn lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH để dựng tượng đài, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy cho biết: "Các lực lượng công an nhân dân nói chung đều vì nhân dân phục vụ. Nhưng trước mắt 2 lực lượng gần gũi nhân dân nhất là lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đặc biệt 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM rất cần có tượng đài như vậy, việc này cũng để nhắc nhở cho quần chúng nhân dân ý thức hơn trong việc tham giao thông và ý thức trong việc PCCC. Công trình này khánh thành để tuyên truyền cho truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân".

Bộ Công an giải thích vì sao dựng tượng đài chiến sĩ CSGT và PCCC - 4

Đây là công trình do Bộ Công an làm chủ đầu tư. Công trình tượng đài này sẽ là điểm nhấn cho tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiên Quang - Công viên Thống Nhất (Ảnh: Nguyễn Dương).

Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị cho biết, khi công trình khánh thành, Bộ Công an sẽ bàn giao cho Công an TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội quản lý, trùng tu.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu quận Hai Bà Trưng tập trung cho các dự án động lực; trong đó phát triển phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất kết hợp với phát triển kinh tế ban đêm, thay đổi "bộ mặt" của quận.

Do đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy, công trình tượng đài nói trên sẽ là điểm nhấn cho tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiên Quang - Công viên Thống Nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm