1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an - Bộ GD-ĐT xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn"

Trần Thanh

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ sẽ chọn ra một tỉnh để xây dựng điển hình về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn" để nhân rộng ra cả nước.

Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Theo ban tổ chức, chương trình phối hợp giữa hai bộ nhằm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, sinh viên (HSSV), trong các cơ sở giáo dục. 

Bộ Công an - Bộ GD-ĐT xây dựng mô hình Cổng trường an toàn - 1

Quang cảnh buổi lễ ký kết (Ảnh: Văn Yên).

Ngoài ra, chương trình còn giúp phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa giao thông cho HSSV phù hợp với các cấp học nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT; góp phần ngăn chặn, hạn chế và làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến HSSV.

Thông qua chương trình, Bộ Công an sẽ thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về tình hình TTATGT, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan về TTATGT cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện...

Tiếp đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, thường xuyên cập nhập thông tin và đưa nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT và văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa, dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, đại học...

Bộ Công an - Bộ GD-ĐT xây dựng mô hình Cổng trường an toàn - 2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Văn Yên).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, việc HSSV chấp hành nghiêm pháp luật là mong đợi của tất cả người dân. Với 22 triệu HSSV, nếu các em chấp hành tốt pháp luật về ATGT, kỹ năng ứng xử tình huống đảm bảo sẽ tạo được sự lan tỏa cao trong cộng đồng.

"Vậy làm thế nào để 22 triệu HSSV có nhận thức đúng đắn, hiểu biết, có kỹ năng tham gia giao thông là bài toán đặt ra cho chúng ta", Thứ trưởng Ngô Thị Minh đặt vấn đề và cho rằng, điều quan trọng nhất để các em tiếp thu được kiến thức là công tác tuyên truyền, giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức khác nhau không đơn thuần là các bài giảng một chiều mà nên tổ chức hoặc lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền qua mạng.

Đồng tình với Thứ trưởng Ngô Thị Minh về việc cần thiết phải đổi mới phương pháp giáo dục, tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, cả nước xảy ra 1.570 vụ tai nạn giao thông liên quan đến HSSV, làm chết 864 người, bị thương 1.794 người.

Bộ Công an - Bộ GD-ĐT xây dựng mô hình Cổng trường an toàn - 3

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Văn Yên).

Ông Long cho rằng, nguyên nhân chính xảy ra tai nạn giao thông là do sự kém hiểu biết kiến thức và thiếu ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Do đó, việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện kỹ năng tham gia giao thông an toàn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT xây dựng văn hóa giao thông cho HSSV là hết sức cần thiết để phòng ngừa, giảm thiểu các vi phạm TTATGT.

"Con số các em HSSV bị chết, bị thương liên quan đến tai nạn giao thông là con số rất đáng suy nghĩ. Gần 1.000 em học sinh không trở về nhà là gần 1.000 gia đình bất hạnh vì mất con. Chúng tôi rất trăn trở về vấn đề này. Đây không phải do thiếu quy định pháp luật mà do các em thiếu kỹ năng, chưa hiểu biết, chưa hình thành văn hóa giao thông", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, Bộ Công an sẽ chọn ra một tỉnh để xây dựng điển hình về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn" để nhân rộng ra cả nước. 

"Vừa rồi chúng tôi chọn chuyên đề xử lý vi phạm về các xe chạy quá tốc độ, quá tải, quá khổ... làm rất hiệu quả, tai nạn giao thông giảm rõ rệt. Chuyên đề đảm bảo an toàn giao thông cho HSSV sẽ là chuyên đề thứ 2 mà Bộ Công an thực hiện. Nếu làm tốt chuyên đề này không chỉ hình thành thói quen mà hình thành văn hóa, thành hành trang mang theo cho các cháu khi ra đời", Thứ trưởng Nguyễn Văn Long chia sẻ.