Bộ Chính trị: Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, đãi ngộ giáo viên
(Dân trí) - Chỉ thị của Bộ Chính trị đưa ra yêu cầu về việc tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ...
Ngày 5/1, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Theo đó, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn đã đạt được kết quả quan trọng.
Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện Chỉ thị chưa đồng bộ, tỷ lệ trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non còn thấp. Một số địa phương chưa quan tâm phát triển trường, lớp mầm non; chất lượng phổ cập giáo dục chưa thật vững chắc, chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn...
Để nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm cho mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc.
Cùng với đó, chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu cho người mới biết chữ, duy trì và nâng cao tính bền vững đối với kết quả xóa mù chữ cho người lớn, chú trọng xóa mù chữ chức năng...
Chỉ thị cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh, có cơ hội tiếp tục học tập; tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, thích ứng với những thay đổi của xã hội.
Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục mở để tạo cơ hội học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cân đối cơ cấu ngành nghề, phát triển giáo dục gắn với kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo sự đồng bộ, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh sau trung học đáp ứng yêu cầu đề ra.
Trong đó, các cơ quan, đơn vị chú trọng chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp; có chính sách tháo gỡ việc phát triển mạng lưới trường, lớp dân lập, tư thục...
Đáng lưu ý, Chỉ thị đưa ra yêu cầu về việc tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thu hút, bảo đảm điều kiện cần thiết để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ; có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Các cấp, ngành cũng cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa gắn với quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch quốc gia, ngành, lãnh thổ.
Đặc biệt, cần quan tâm phát triển mạng lưới trường, điểm trường, lớp học; trường dân tộc nội trú, lớp nội trú dân nuôi, lớp bán trú ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.