1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Bỏ 25 ngàn đô mua dâm sao không công bố?"

Gái bán dâm bị công khai danh tính, còn người mua dâm vẫn ung dung vì được ẩn mình. Quy định hiện hành trong Pháp lệnh phòng chống mại dâm đang làm nảy sinh những tranh cãi chưa có hồi kết.

Đến nay, câu hỏi “Có nên công bố danh tính người mua dâm?” có rất nhiều ý kiến. Trong khi nhiều người đồng tình ủng hộ thì số khác lại cho rằng việc không công bố danh tính là vì tinh thần nhân đạo.

Xung quanh những tranh cãi này, chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia Xã hội học và nhà nghiên cứu tội phạm để bạn đọc có một góc nhìn toàn diện hơn.

PGS, TS. Trịnh Hòa Bình: Công bố chỉ là giải pháp tình thế
Theo PGS, TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học & Xã hội Việt Nam), cơ quan chức năng nên công khai danh tính người mua dâm giống như việc công khai danh tính những người vi phạm trong các lĩnh vực khác.

Trong thời điểm hiện tại, nếu việc công bố mà hạn chế được tệ nạn mại dâm thì nên làm, tại sao lại cứ phải lo giữ gìn cho nhiều người vi phạm?

"Bỏ 25 ngàn đô mua dâm sao không công bố?" - 1

Đường dây mại dâm nghìn đô của Mỹ Xuân đang làm xôn xao dư luận, hé lộ danh tính nhiều đại gia mua dâm

Nếu xuất phát từ nhu cầu sinh lý, thì với những người đui què, mẻ sứt, chúng ta có thể chiếu cố vì họ không có cơ hội nên phải tìm đến thị trường bán dâm để giải quyết nhu cầu.

Còn nếu bạn bỏ ra đến 25.000 USD (theo lời khai của các hoa khôi bán dâm, mỗi chuyến sex tour sẽ nhận được tới 25.000 đô) để mua dâm thì tại sao lại không công bố? Công bố được quá chứ? Vì anh ta đã thác loạn trên nỗi đau của người nghèo. Khi ấy đâu đơn thuần chỉ là nhu cầu mà ở đây là anh chơi trội, anh muốn mượn việc mua người đẹp để thể hiện đẳng cấp.

Tuy nhiên, PGS, TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, chúng ta không nên coi việc công bố danh tính người mua dâm là vấn đề gì đó quá ghê gớm, bởi nó chỉ là giải pháp tình thế trước mắt.

Xét về lâu về dài, muốn hạn chế tình trạng mua bán dâm thì cần phải xử lý từ gốc. Trên thực tế, thị trường bán dâm cũng có phân khúc. Phần lớn nhóm bán dâm là những cô gái lầm lũi, còn nhóm “tinh hoa” đi bán dâm nghìn đô không nhiều.

Do vậy, muốn hạn chế tệ nạn mại dâm, nhà nước phải kiểm soát chặt hơn, đầu tư tái sản xuất xã hội, tạo ra nhiều việc làm hơn nữa, chăm lo đời sống của những đối tượng này hơn nữa. Còn với người mua dâm ở nhiều nước, cứ dính đến mại dâm là đều phải từ chức hết.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn: Không nên chỉ nhân đạo một phía

Nhiều người nói rằng việc không công bố danh tính người mua dâm là thể hiện sự nhân đạo, nhưng tại sao nhân đạo lại chỉ từ một phía? Điều này chưa thật sự thuyết phục.
 
Trong khi nhiều gái bán dâm bị công khai hình ảnh, tên tuổi ê chề trên báo, thì các đối tượng mua dâm vẫn hả hê rung đùi.
 
Chúng ta lo sự nghiệp, công việc, gia đình, con cái người mua dâm bị ảnh hưởng, vậy những người bán dâm cũng xứng đáng được hưởng những điều đó lắm chứ?

Để quản lý, nhà nước có thể lập ra các 'khu đèn đỏ' như nhiều nước đang làm để siết chặt các hoạt động mua bán dâm..

Chúng ta nên quy hoạch có lộ trình, tránh gây đảo lộn và làm gia tăng thêm các tệ nạn khác.

Thượng tá Nguyễn Minh Đức: Chỉ công bố “cá bé” thì không mấy tác dụng

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc TT Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm, tại nhiều nước, danh tính người bán dâm được bảo vệ, giữ kín, còn ở nước ta thì ngược lại.

 
Tại nhiều quốc gia, người mua dâm bị xử lý rất nghiêm. Đơn cử như luật hình sự Thụy Điển quy định người mua dâm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối chiếu với tình hình hiện tại, nếu chúng ta chấp nhận công bố danh tính người mua dâm, bất kể đó là ai, chắc họ sẽ sợ.
 
"Bỏ 25 ngàn đô mua dâm sao không công bố?" - 2

Hầu hết các vụ bắt quả tang mua bán dâm chỉ là bắt được 'cá bé' - (Ảnh minh họa)


Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những vụ bắt quả tang rơi vào những trường hợp đi mua dâm lần đầu hoặc các “tiểu gia”.

'Con cá to' không bắt được, mà chỉ công bố những 'con cá bé' thì không mấy tác dụng. Sau khi công bố, còn phải tính đến việc những người vợ, những đứa trẻ xấu hổ không dám ngẩng đầu mà sống nữa, chúng ta cân nhắc việc không công bố là vì lẽ đó.

Trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đã có quy định rõ các cán bộ, công chức… vi phạm thì ngoài việc nộp phạt hành chính còn bị gửi thông báo về cơ quan, cộng đồng dân cư để tiến hành kỷ luật, kiểm điểm. Nhưng thực tế, việc này thực hiện chưa nghiêm nên nhiều người chưa sợ.

Theo thượng tá Nguyễn Minh Đức, về lâu dài chúng ta phải giáo dục nhận thức cho các cô gái, tạo cho họ công ăn việc làm, để sau khi phục hồi nhân phẩm họ không tái phạm.

Bởi, theo khảo sát, 71% gái mại dâm xuất thân từ những gia đình hoàn cảnh khó khăn có 3 con trở lên, là con cả và thường thất học.

Nhiều nước không chấp nhận hoạt động mại dâm nhưng có những nước buộc phải thừa nhận, đưa vào các khu đèn đỏ để quản lý.

Các cô gái tại khu phố này được cấp giấy hành nghề, được khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế và có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ. Khách đến mua dâm đều phải trình giấy tờ, có sự quản lý chặt chẽ.

Do đó, một ông quan chức nọ có thể “thoát” được một lần, nhưng lần thứ hai kiểu gì cũng bị lộ.

Theo Minh Anh
Vietnamnet