Bịt kẽ hở trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức
(Dân trí) - Bộ Nội vụ phản ánh, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức còn thiếu, chưa thống nhất, áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khoảng trống, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý. Vì thế, bộ này đề xuất bổ sung nhiều quy định mới vào Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) để bịt những kẽ hở này.
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra trong hồ sơ dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) vừa được Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp để thẩm định.
Nhiều kẽ hở
Báo cáo tổng kết luật (2010-2017), Bộ Nội vụ cho biết việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức tuy đã được tiến hành dân chủ hơn, chặt chẽ và thực chất hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Quy định về phân loại, đánh giá cán bộ, công chức chưa thống nhất, đồng bộ với quy định về phân loại, đánh giá Đảng viên. Vẫn còn tình trạng chủ quan, cảm tính, nể nang, chưa phản ánh đúng thực chất.
Đáng chú ý nhất là quy định liên quan đến kỷ luật cán bộ, công chức. Khoản 1 Điều 80 của luật và Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 34/2011 quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng mà không quy định trường hợp ngoại lệ nên trong một số trường hợp gặp khó khăn trong xử lý; cần xem xét đến trường hợp đặc biệt để thực hiện việc xử lý kỷ luật cho hợp lý.
Khoản 4 Điều 78 của luật quy định: “Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Như vậy việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ trong các cơ quan Đảng, đoàn thể thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Ban Bí thư; đối với cán bộ bầu cử trong các cơ quan nhà nước thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa ban hành văn bản quy định cụ thể việc áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ theo quy định của Luật.
Bộ Nội vụ phản ánh, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý kỷ luật còn thiếu (như trong trường hợp đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác, thời hiệu xử lý kỷ luật), chưa thống nhất, áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khoảng trống, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý cán bộ, công chức. Nhiều hành vi vi phạm trong hoạt động thực tiễn phải bị xử lý kỷ luật, nhưng chưa được quy định.
“Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao; giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân còn nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân. Trong công tác đánh giá, kiểm tra cán bộ, công chức hằng năm vẫn còn hiện tượng nể nang”- Bộ Nội vụ nhìn nhận.
2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cho thôi việc
Chính vì thế, cơ quan soạn thảo đề xuất Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá về thái độ phục vụ.
Việc đánh giá công chức được thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái.
Căn cứ vào đặc thù công việc của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức ban hành Quy chế quy định các nội dung đánh giá công chức phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Kết quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức và được thông báo công khai trong phạm vi quản lý.
“Công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc”- Bộ Nội vụ đề nghị.
Đặc biệt, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Tương tự, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do luật quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Bộ Nội vụ đề xuất, đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: a) Cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ khỏi đảng; b) Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.
Thế Kha