1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định quyết xóa sổ lò gạch thủ công

Doãn Công

(Dân trí) - Lãnh đạo huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cam kết đến 31/12 sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói nung thủ công.

Động thái trên được đưa ra sau khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng truy vấn việc chậm xóa sổ các lò sản xuất gạch, ngói thủ công ở huyện Tây Sơn, tại kỳ họp thứ 14, khóa XIII, HĐND tỉnh diễn ra đầu tháng 12.

Bình Định quyết xóa sổ lò gạch thủ công - 1

Huyện Tây Sơn từng là "thủ phủ" của sản xuất gạch, ngói đất sét nung thủ công (Ảnh: Bình Định).

Tây Sơn từng là "thủ phủ" của sản xuất gạch, ngói đất sét nung thủ công ở tỉnh Bình Định, với 958 cơ sở.

Theo chủ trương chung của tỉnh, năm 2016 là thời điểm xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn 7 năm, tỉnh Bình Định vẫn chưa xóa bỏ hết các lò gạch thủ công.

Theo ông Nguyễn Phước Trình (46 tuổi, chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói ở huyện Tây Sơn), gia đình ông có hơn 20 năm sống cùng nghề làm gạch, ngói, nhưng nhiều năm nay, chỉ hoạt động cầm chừng vì không hiệu quả.  

"Gia đình tôi ủng hộ chủ trương xóa lò gạch thủ công nhưng cần có cơ chế hỗ trợ giúp người dân chuyển đổi nghề. Nếu như nhà nước thu hồi đất để xây trường, bệnh viện tôi sẽ tự động dỡ bỏ lò gạch nhưng khi chuyển đổi để làm kinh tế thì phải đền bù cho xứng đáng", ông Trình nói.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, 2 năm qua, huyện kiên trì tuyên truyền, vận động người dân tự chấm dứt hoạt động lò gạch, ngói thủ công.

Huyện lập 3 tổ công tác, trong đó 2 tổ kiểm kê, soát xét ngăn chặn việc đưa đất sét nguyên liệu vào lò sản xuất; 1 tổ tuần tra phát hiện, xử lý nguồn nguyên liệu đầu vào; lắp đặt camera để giám sát việc cung cấp nguyên vật liệu cho các lò hoạt động.

Bình Định quyết xóa sổ lò gạch thủ công - 2

Huyện Tây Sơn còn khoảng 30 lò gạch thủ công (Ảnh: Bình Định).

UBND huyện đã thông báo yêu cầu các chủ lò còn lại tại Tây Xuân và Bình Nghi khẩn trương giải quyết toàn bộ số lượng đất, gạch, ngói chưa nung hiện có và chấm dứt sản xuất trước 20/12 tới. Sau đó, huyện ra quân đồng loạt xử lý chấm dứt vào cuối năm nay.

Bà Lê Bình Thanh - Bí thư Huyện ủy Tây Sơn - chia sẻ, việc xóa bỏ lò gạch thủ công, địa phương đã triển khai rất quyết liệt, từ 958 lò đến nay chỉ còn 30 lò. Trong đó, có 23 lò nằm trong các cụm công nghiệp, 7 lò nằm ở ngoài.

Đây là ngành nghề truyền thống của người dân địa phương, mặc dù nhiều lò hiện không còn sản xuất nữa nhưng người dân rất "nấn ná", bởi đó là gia tài của gia đình.

Ngoài ra, đối với các lò gạch trong các cụm công nghiệp, trước đây, có hộ nhận tiền đền bù, có hộ chưa, hiện giờ người dân mong muốn nếu có doanh nghiệp vào thì được bồi thường thêm rồi mới tháo dỡ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng khẳng định kiên quyết hoàn thành chấm dứt hoạt động sản xuất gạch, ngói nung thủ công trong năm nay. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp căn cơ, bền vững để xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công.