1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Bình Định lo thiếu nước cho sinh hoạt và cây trồng

(Dân trí) - Hiện, các hồ chứa nước trên địa bàn có chiều hướng giảm, nguy cơ hạn còn gay gắt hơn năm 2019. Do vậy, Bình Định quyết bỏ hoang hàng ngàn ha đất và chuyển đổi cây trồng trên một số diện tích.

Ngày 16/3, ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định (Sở NN&PTNT) cho biết, hiện nay, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, do vậy Bình Định có khả năng sẽ bị hạn hơn năm 2019.

Đối diện hạn nặng, Bình Định lo thiếu nước sinh hoạt và cây trồng
Đối diện với hạn gay gắt, Bình Định lo thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân một số nơi.

Sở NN&PTNT đang xây dựng phương án về nguồn nước và phương pháp tưới. Các giải pháp về sản xuất nông nghiệp như chuyển đất trồng lúa 3 vụ sang 2 vụ; chuyển từ cây trên đất trồng lúa sang cây trồng cạn; kế hoạch đẩy vụ hè và vụ thu lên sớm hơn cũng đang được xây dựng...

Ông Chương cho biết thêm, những năm trước, 2 điểm có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt lớn nhất là xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) và Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Tuy nhiên, năm nay nhà máy nước ở Tuy Phước đã được khắc phục, cải thiện nên tình hình cũng tạm ổn.

Riêng ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), nếu tình hình nắng nóng liên tục như hiện nay thì khả năng sẽ phải chở nước sinh hoạt cung cấp cho người dân.

“Để đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, chúng tôi đã đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung đã xây dựng, đồng thời vận động người dân đóng thêm giếng, lấy nước ngầm để sử dụng”, ông Chương nói.

Bình Định lo thiếu nước cho sinh hoạt và cây trồng - 2
Bình Định đang đối diện với hạn nặng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, năm 2019, tỉnh Bình Định bị hạn nặng khiến gần 4.000 ha lúa thiếu nước tưới và đã chuyển qua cây trồng cạn hơn 3.000 ha. Năm nay, tình hình còn gay gắt hơn nên tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết bỏ khoảng 1.200 ha không có nước và chuyển đổi khoảng 2.000 ha sang các loại cây trồng chịu hạn khác.

“Tuy nhiên, tỉnh Bình Định chỉ đạo quyết liệt cho UBND các huyện phải tập trung ưu tiên đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Đối với nước tưới cho nông nghiệp, nơi nào không có nước tưới thì dứt khoát không sản xuất hoặc chuyển qua trồng mè (vừng)... Nếu không có nước hoặc thiếu nước chừng 2, 3 đợt nữa thì không mở rộng diện tích và giảm dần diện tích này”, ông Châu nói.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2019-2020, kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2020 các tỉnh thành duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên vừa được tổ chức tại tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương phải tập trung sử dụng giống lúa ngắn ngày, năng suất cao; đẩy lịch thời vụ lên sớm hơn khoảng 15 ngày để tận dụng nguồn nước…

“Vấn đề rất quan trọng là các địa phương phải tổ chức rà soát lại rất kỹ cho từng vùng, từng tiểu vùng nguồn nước đáp ứng được cho sản xuất lúa. Những nơi có nguy cơ không đủ nước tưới cho lúa thì kiên quyết không trồng lúa và nghiên cứu chuyển sang cây màu cần ít nước, kể cả những nơi nước quá khó khăn thì cắt vụ không gieo trồng”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị.

Doãn Công