Bình Định kiến nghị triển khai 2 tuyến cao tốc
(Dân trí) - Bình Định kiến nghị Bộ KH-ĐT tham mưu cho Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Ngày 7/7, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về phát triển kinh tế, xã hội, thu chi ngân sách, đầu tư hạ tầng... của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
Tại buổi làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tại địa phương này.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bình Định giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.814 tỷ đồng, đạt 42,6% kế hoạch năm. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng Bình Định tập trung vốn đầu tư công để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, như đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội, đường phía Tây tỉnh nối Quy Nhơn với Khu Công nghiệp Becamex, Quốc lộ 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến nút giao quốc lộ 1A…
Dịp này, ông Hồ Quốc Dũng kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về 13 dự án của tỉnh cần giải ngân vốn và cần đầu tư trong nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nhiều dự án về hạ tầng giao thông huyết mạch của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xem xét, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Quảng Ngãi - Bình Định dài 170 km) trong giai đoạn 2021-2025 và cho chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 160 km.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT quan tâm, bố trí vốn cho các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19B, 19C đoạn qua tỉnh Bình Định vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho dự án cầu Thị Nại 2 với tổng mức đầu tư khoảng là 1.888 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025); dự án tuyến đường từ Quốc lộ 19C kết nối Cảng Quy Nhơn 1.452 tỷ đồng; quan tâm, hỗ trợ 50% Tổng mức đầu tư từ Ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đảm bảo địa phương triển khai thực hiện dự án Đường ven biển đoạn qua tỉnh...
Tập trung “hỏa lực” vào các dự án tạo đột phá
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng ghi nhận và đánh giá cao bước phát triển nổi bật, ấn tượng của tỉnh Bình Định trong những năm qua. Bộ trưởng cho biết, tầm vóc và diện mạo đô thị tự thành thị đến nông thôn thay đổi rất nhanh trong 5 năm trở lại đây.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bình Định vẫn còn nhiều tồn tại như quy mô nền kinh tế nhỏ, kêu gọi đầu tư thấp, thiếu những dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược. Thời gian tới, địa phương cần tập trung phát triển hạ tầng, chủ động thu hút đầu tư dựa trên thế mạnh của địa phương…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng quan tâm, thống nhất với nhiều kiến nghị, dự án về hạ tầng tại tỉnh Bình Định, như: dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Quảng Ngãi - Bình Định) trong giai đoạn 2021-2025 và cho chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định dự án nào tốt nhất cho địa phương, có tác động lan tỏa, ảnh hưởng nhất cho tỉnh thì tập trung “hỏa lực” để thực hiện cho xong.
Đặc biệt, Bộ trưởng thống nhất cao với dự án đường ven biển đoạn qua tỉnh Bình Định và tuyến quốc lộ 19C, quan tâm đến việc đầu tư đập dâng Phú Phong, cảng cá và khu neo đậu trú bão Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn)…
“Đường ven biển sẽ mở ra không gian rất tốt cho sự phát triển của các tỉnh miền Trung, để chúng ta có thể phát triển kinh tế biển, du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản… Đường ven biển ngoài kết nối các hạ tầng về giao thông, sân bay, cảng biển, kết nối các khu kinh tế lại với nhau mà còn có ý nghĩa rất lớn về quốc phòng an ninh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Riêng với dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là tuyến quan trọng kết nối các tỉnh Tây Nguyên với biển để phát triển nhưng cần lưu ý là nên làm cao tốc hay làm đường tốc độ cao. Bởi vì đối với cao tốc thì phải có lưu lượng hàng hóa lớn, giá thành công trình rất cao, đặc biệt là dân và các phương tiện giao thông thô sơ không đi được.
“Trước mắt nên đầu tư đường nhựa tốc độ cao, sau này khi điều kiện thực tế phù hợp thì làm cao tốc. Các dự án cao tốc nên hướng đến đầu tư theo hình thức BOT”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Doãn Công