Biểu hiện tham nhũng mới: Thủ đoạn tinh vi để kéo dài thời gian thu phí BOT
(Dân trí) - Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 của Chính phủ nêu nhiều con số cho thấy tội phạm tham nhũng giảm. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp, thủ đoạn lại tinh vi hơn, như sử dụng công nghệ để gian lận doanh thu, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm BOT.
Báo cáo này là nội dung đầu tiên được xem xét tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của UB Tư pháp của Quốc hội, bắt đầu sáng nay, 3/9.
Thoái vốn nhà nước, liên kết đầu tư tiềm ẩn phức tạp
Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/10/2018 đến 31/7/2019 đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018), 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).
Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản.
Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Chính phủ nhận định, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại buôn bán hàng cấm, hàng giả còn diễn biến phức tạp. Hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Thông đồng với ngân hàng để chuyển tiền ra nước ngoài
Báo cáo cũng nêu tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước đáng lưu ý.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã khởi tố 33 vụ, 89 vị can. Ngoài các vi phạm liên quan đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay... còn phát hiện một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Như, giả mạo chữ ký trên sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tài sản ngân hàng, giả mạo thông tin khách hàng để làm thẻ tín dụng, làm giả phôi thẻ tín dụng để rút tiền chiếm đoạt. Một số doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cấu kết với nhau xin cấp hạ tầng, lập dự án, thông đồng với cán bộ ngân hàng để vay vốn, hợp thức hoá việc sử dụng vốn vay bằng các hợp đồng nâng khống giá trị máy móc, thiết bị với các đối tác nước ngoài để chuyển tiền ra ngoài.
Trong lĩnh vực thuế, hải quan đã phát hiện, bắt giữ 12.760 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực hải quan, trong đó có 12.085 vụ vi phạm hành chính, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 1.682 tỷ đồng (tăng 50% so với cùng kỳ năm trước).
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự tại một số địa phương.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp, vi phạm trong việc giao đất để thực hiện dự án, bán các cơ sở nhà đất không qua đấu giá, cổ phần hoá doanh nghiệp liên quan đến đất đai gây thất thu lớn ngân sách nhà nước.
P.Thảo