1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cà Mau:

Biển "ngoạm" chân đê, người dân thót tim chờ sóng dữ

(Dân trí) - Tình trạng sạt lở ven biển Tây tại Cà Mau đang hết sức nguy cấp với nhiều điểm sạt lở đã vào đến chân đê. Cơ quan chức năng phải dùng các biện pháp tạm thời ra sức hộ đê, còn người dân sống gần điểm sạt lở đứng ngồi không yên.

Qua chuyến khảo sát tình hình sạt lở tại các điểm nóng trên tuyến đê biển Tây vừa qua, Sở NN&PTNT Cà Mau đánh giá tình hình sạt lở rừng phòng hộ ven biển rất phức tạp, có nhiều điểm sạt lở cấp thiết, phải nhanh chóng khắc phục để giữ đê đảm bảo dân sinh.

2-1441683161090
Trước sức tàn phá của biển khơi, mỗi năm Cà Mau mất hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển Tây.

Hết mất rừng đến nguy cơ vỡ đê

Tại điểm sạt lở được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng thuộc ấp Thới Hưng, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), ghi nhận thực tế, tình trạng sạt lở đã vào tới chân đê rừng phòng hộ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Đông- Hạt trưởng Hạt Quản lý đê biển Cà Mau cho biết: Diện tích rừng phòng hộ ven biển tại đây còn khoảng 9m, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. “Nếu không khẩn trương khắc phục, thời tiết bình thường thì kéo dài được 1 tháng, còn gặp thời tiết cực đoan, biển nổi giông gió thì chỉ trong vòng 1 ngày, thậm chí vài giờ đồng hồ là hết rừng, tới vỡ đê”, ông Đông nói.

Hiện Chi cục Thủy lợi Cà Mau, trực tiếp là Hạt Quản lý đê biển đang dùng kè bản nhựa để khắc phục 3 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, với chiều dài hơn 250m tại ấp Thời Hưng.

Gắn bó với công tác đê điều cả chục năm qua, đứng nhìn từng cơn sóng dữ hành hạ mảng rừng nhỏ còn lại, ông Bùi Văn Đông thở dài nói với chúng tôi rằng: “Tạm thời thôi, kè bản nhựa lúc nào chúng tôi cũng có sẵn để dùng trong lúc cấp bách. Chúng chỉ có thể giúp chống chọi được hết mùa mưa năm nay, đến mùa mưa sang năm nếu không có biện pháp dài hạn thì căng lắm”.

Nhìn ra ven biển, hàng chục công nhân và cán bộ Hạt Quản lý đê biển Cà Mau đang ra sức khẩn trương làm kè bản nhựa. Một hàng cừ tràm loại nhất, cây cỡ bắp chân người lớn được cặm xuống rừng cách sóng biển chừng 4m, sau đó dùng 3 miếng bản nhựa dày hơn phân, cao 1,5m áp sát vào hàng cừ tràm, cố định chúng lại, thành hàng kè. Nếu loại kè này mà ở trong sông tuổi thọ phải lên đến hàng chục năm, ấy vậy mà mang chúng ra chống chọi với “hung thần” biển khơi, chúng lại tỏ ra quá yếu đuối.

Cũng dễ hiểu thôi, tại 3 điểm sạt lở nghiêm trọng này, tận mắt chúng tôi chứng kiến có hàng chục cây đước, cây mắm cổ thụ nằm la liệt ven biển. Những cây cách xa bờ, hình hài chúng chỉ còn lại bộ khung, còn những cây mới bị sóng đánh sập thì nằm ngả nghiêng như muốn mang toàn thân mình chắn sóng. Với bộ rễ sâu chắc đến dường nào, cây cối trong hệ sinh thái ngập mặn ven biển còn phải chịu thua, buôn phận mình để sóng dữ cuốn đi, thì hỏi sao cuộc chiến chống “biển xâm lăng” đất liền lại khó khăn đến vậy.

1-1441683057993
Khẩn cấp làm kè bản nhựa khắc phục tạm thời các điểm sạt lở tại đê biển Tây Cà Mau.

Ông Tô Quốc Nam- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Qua chuyến khảo sát vừa qua, chúng tôi đã cấp thiết chỉ đạo Chi cục Thủy lợi dùng kè bản nhựa để khắc phục tạm thời các điểm nguy cấp, tránh nguy cơ vỡ đê. Về lâu dài chúng tôi đang xin nguồn vốn từ dự án nâng cấp đê biển để tiến hành làm kè ngầm tạo bãi, đây là loại kè kiên cố được đánh giá hiệu quả hiện nay”.

Ông Nam cho biết thêm, toàn tuyến còn rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, hiện còn hơn 5,1km chiều dài rừng phòng hộ bị sóng biển bào mòn nghiêm trọng, có nguy cơ phá vỡ đê như: đoạn Tiểu Dừa (1.700m), Cống Hương Mai (1.500m) thuộc xã Khánh Tiến (huyện U Minh)…

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Cà Mau, những năm gần đây, trung bình biển lấn vào đất liền 15m, những nơi nghiêm trọng trên 50m/năm. Tình hình sạt lở ven biển Tây bắt đầu từ trước năm 2007, tuy nhiên, từ năm 2010 thì sạt lở được đánh giá là nghiêm trọng và diễn diễn phức tạp. Ước tính mỗi năm biển “nuốt” khoảng 300 ha rừng phòng hộ ven biển.

Trước tình hình tàn phá rừng phòng hộ khủng khiếp của biển khơi, nhiều hộ dân sống ven đê biển Tây đang hết sức lo lắng. Theo tập quán sinh sống, để tiện cho việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản, đã từ rất lâu, hàng ngàn hộ dân đã ra định cư ven các cửa biển và chân đê phòng hộ. Họ sống rải rác khắp đê biển Tây, rừng và biển cho họ nguồn lợi, nuôi họ sống. Nhưng nay, biển cho thì biển lấy lại, biển lấn đất rừng khiến họ mất đi kế sinh nhai.

Mất kế sinh nhai, trực chờ sóng dữ

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Thời Hưng) sống ngay chân đê quốc phòng, cách biển chỉ khoảng 20m. Hằng đêm ông nằm nghe sóng ầm ầm đổ bờ, mà chưa bao giờ thôi lo lắng.

Ông Tuấn kể, năm 1991, trước nguồn lợi lớn từ rừng phòng họ ven biển mang lại, ông bỏ cây lúa, đưa gia đình mình ra sống tại Kênh đê quốc phòng, bám rừng phòng hộ làm vuông nuôi tôm, ôm mộng làm giàu. “Diện tích rừng hồi đó nhiều lắm, tính riêng diện tích đất nhà tôi canh tác nuôi tôm đã dài 15 công (1 công dài 36m), cộng thêm phần rừng phòng hộ bên ngoài đến cả cây số. Vậy mà đã 6 năm nay chúng tôi phải bỏ nguồn sống của mình (nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng) vì không cách nào giữ được vuông tôm khỏi bể”, ông Tuấn xót xa.

3-1441683115029
Nếu trước đây đi ra tới biển mỏi chân thì nay nhà ông Tuấn chỉ còn cách sóng biển khoảng 20m.

Theo người dân địa phương, trước năm 2000, cứ theo chu kỳ hai mùa mưa nắng của năm, biển sẽ lở, bồi đều đặn. Mùa giông bão, các cơn sóng dữ vào bờ cuốn phù sa bồi lắng ra khơi, đến mùa nắng lại êm ả bồi đắp tạo thành những bãi bồi lấn biển hàng trăm mét. Người dân lội mỏi chân mới ra tới mé biển, thỏa trí sống cùng “rừng vàng, biển bạc”…

Những năm gần đây, biển lấn vào đất liền quá nhanh. Khoảng chục năm nay, chưa một lần biển bồi đắp, mực nước biển ngày càng lớn, người dân gia cố bờ bao vuông tôm thế nào cũng bị “sức biển” phá hủy, họ đành đắng lòng nhìn biển “ngoặm” rừng, vuông tôm nhà mình, rồi đến nay tấc đất không còn để canh tác.

Ông Nguyễn Văn Vãng- Trưởng ấp Thời Hưng cho biết: Trong ấp có 37 hộ đang sống trên chân đê Quốc phòng. Trong đó, gần một nửa số hộ trên không có tấc đất cắm dùi, bám biển kiếm sống. Nếu không kịp thời khắc phục sạt lở, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ ở đây, mà còn ảnh hưởng diện tích đất làm lúa thuộc vùng quy hoạch ngọt hóa bên trong đê.

Tại điểm sạt lở Vàm Xoáy thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) hiện có 300 hộ dân sinh sống ven biển. Trong đó, có 36 hộ đang trực diện đối mặt với nguy cơ sạt lở. Không chỉ vậy, tuyến đê biển Tây Cà Mau kéo dài từ giáp ranh tỉnh Kiên Giang qua các huyện ven biển (U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân,…) của Cà Mau với chiều dài 108 km, còn có “trách nhiệm” bảo vệ đời sống sinh hoạt, sản xuất cho hơn 26.000 hộ dân và gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp hệ ngọt phía Bắc Cà Mau. Chính vì vậy, việc cấp bách hiện nay đặt ra là phải tìm giải pháp phù hợp, có kế hoạch lâu dài để bảo vệ đê biển.

Khánh Hưng