1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Biển hiệu đồng bộ ở phố Lê Trọng Tấn gây tranh cãi

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng hình ảnh tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội, bên cạnh một số khen ngợi, hệ thống biển hiệu đồng bộ mặt phố Lê Trọng Tấn cũng vấp phải ý kiến phản đối từ những hộ kinh doanh và giới chuyên môn về quảng cáo. Trong khi đó, đại diện chính quyền quận Thanh Xuân cho biết vẫn đang lắng nghe các ý kiến để có những điều chỉnh thích hợp.

Kinh doanh ế ẩm vì biển quảng cáo quá giống nhau

Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) được xem là tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội với thiết kế và quy hoạch đồng bộ, đẹp mắt. Điểm nhấn đáng chú ý là toàn bộ các bảng, biển quảng cáo của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến phố này đều được lắp đặt theo đúng quy chuẩn do chính quyền quy định. Cụ thể, chiều cao trung bình của các loại biển bảng quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m – 3,3m, chiều cao bảng biển là 1,1m và chỉ được sơn hai màu là màu xanh và màu đỏ. Điều này tạo ra rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Một số người cho rằng, việc đồng bộ hóa biển quảng cáo là nên làm và góp phần giúp tuyến phố trở lên văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng, việc làm này sẽ gây khó khăn cho các hộ kinh doanh khi khách hàng không thể nhận dạng được thương hiệu cần tìm.

Anh Vũ Thế Tuyền (chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống trên phố Lê Trọng Tấn) cho hay, mấy ngày nay cửa hàng anh luôn trong tình trạng ế ẩm. Nguyên nhân anh Tuyền cho là vì thiết kế biển quảng cáo quá giống nhau khiến nhiều khách hàng phàn nàn họ không thể tìm được địa chỉ của cửa hàng. “Trước đây, biển quảng cáo của tôi có màu đỏ, hình vuông đặt theo chiều dọc gắn vào tường. Trên biển, ngoài tên quảng cáo đồ ăn còn có hình minh họa nên khách đi đường chỉ cần nhìn từ xa là đã nhận diện được quán mà không cần phải đọc chữ. Nhưng với việc thiết kế đồng bộ biển quảng cáo như hiện nay, khách hàng luôn phải căng mắt đọc, nhiều người đi quá đường cũng không muốn quay lại”, anh Tuyền cho biết.

Biển quảng cáo mới theo anh Tuyền ngoài việc không thể hiện được đặc trưng mặt hàng kinh doanh của từng cửa hàng mà nó cũng làm mất đi tính sáng tạo, thương hiệu mà nhiều hộ phải gây dựng trong nhiều năm. “Tôi nghĩ đồng bộ là tốt, nhưng đồng bộ kiểu giống nhau y chang về màu sắc, kích cỡ, font chữ, đặc biệt lại không có hình minh họa như vậy là triệt tiêu sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Khách hàng cũng khó lựa chọn được dịch vụ mình cần tìm”, anh Tuyền phân tích.


Người dân tiến hành lắp đặt biển quảng cáo theo quy chuẩn mới tại phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Hữu Nghị

Người dân tiến hành lắp đặt biển quảng cáo theo quy chuẩn mới tại phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Hữu Nghị

Đồng quan điểm, ông Duy Phong (Kinh doanh dịch vụ cưới hỏi trên phố Lê Trọng Tấn) cũng cho rằng, việc đồng bộ biển quảng cáo giúp tuyến phố mang một diện mạo mới. Tuy nhiên, điều này cũng làm nảy sinh không ít bất cập cho các hộ kinh doanh. Hiện tại cửa hàng ông Phong vẫn chưa tiến hành treo biển do nội dung quảng cáo không đúng với mặt hàng bày bán. “Cửa hàng tôi làm về dịch vụ cưới hỏi, trong đó có thêm cả việc cho thuê phông bạt, bàn ghế. Tuy nhiên trong nội dung ghi trên biển quảng cáo mà bên dự án con đường bàn giao lại, chỉ ngắn gọn với dòng chữ: “Cửa hàng Duy Phong”. Nếu ghi như vậy, ai biết chúng tôi kinh doanh gì, bày bán cái gì?”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng nêu quan điểm, mỗi cửa hàng kinh doanh đều có mặt hàng đặc thù, không giống nhau vì thế nếu tất cả đều chung một dòng chữ, biển hiệu thì rất khó cho khách hàng lựa chọn. “Tôi lấy ví dụ, nếu bán hàng ăn có thể thêm hình ảnh tô phở, bán quần áo có thể có hình comple, cưới hỏi như chúng tôi có thêm chữ “Hỉ” … khách hàng nhìn từ xa, chưa cần đọc chữ đã biết là kinh doanh gì rồi”, ôngng Phong giải thích.

Để tạo dấu ấn riêng, cửa hàng của ông Phong đã phải tiến hành lắp đặt hệ thống cửa kính, bên trong bày các khung hoa, đồ ăn hỏi… để giúp khách dễ nhận diện. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách khắc phục tạm thời mà không có hiệu quả lâu dài. “Nhiều khách có thói quen nhìn biển hiệu trước rồi mới mua, chứ ít ai nhìn vào trong xem đồ bán gì. Hơn nữa, người đi xe máy chỉ nhìn lướt qua, với phông chữ bé lại quá giống nhau như vậy thì việc cửa hàng bị bỏ qua là không tránh khỏi", ông Phong cho biết.


Việc đồng bộ biển quảng cáo giúp tuyến phố mang một diện mạo mới, tuy nhiên điều này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn thể hiện đặc trưng thương hiệu của mình. Ảnh: Hữu Nghị

Việc đồng bộ biển quảng cáo giúp tuyến phố mang một diện mạo mới, tuy nhiên điều này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn thể hiện đặc trưng thương hiệu của mình. Ảnh: Hữu Nghị

Trao đổi với PV Dân trí, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cũng tỏ ra nuối tiếc khi các biển hiệu mang màu sắc cửa hàng với logo thương hiệu mà họ mất công thiết kế, đầu tư nay vì quy định mới cũng đành bỏ không. “Nếu như, việc quy định cho phép thể hiện màu sắc, nhãn hàng của thương hiệu trên biển quảng cáo thì sẽ hợp lý và thuận lợi hơn cho chúng tôi”, một chủ cửa hàng kinh doanh bày tỏ.

“Không nước nào làm đồng bộ hóa biển quảng cáo như chúng ta”

Trong khi đó, một số chủ cửa hàng khác lại cho rằng, họ không thấy có vấn đề gì khó khăn với biển quảng cáo mới này. Ông Lê Văn Ái (Kinh doanh quần áo trên phố Lê Trọng Tấn) chia sẻ, từ ngày con đường Lê Trọng Tấn được mở rộng, con đường trở lên thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc nên khách hàng cũng có phần đông hơn. Góp ý về việc thiết kế biển quảng cáo “kiểu mới”, ông Ái bày tỏ: “Điều duy nhất nếu được chỉnh sửa, tôi nghĩ, thành phố nên cho lắp thêm hệ thống bóng đèn chiếu sáng lên các biển vào ban đêm để giúp khách hàng dễ tìm kiếm hơn. Mặt khác nếu được có thể cho thêm các hình minh họa về sản phẩm kinh doanh lên đó thì rất tốt”.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Thương Hiệu – ĐH Thương Mại (Hà Nội) cho hay, việc quy định về kích cỡ, chiều cao, màu sắc các biển quảng cáo trên tuyến phố Lê Trọng Tấn khá đẹp và đồng bộ. Tuy nhiên, nếu đánh giá ở góc độ chuyên môn thì việc quy định này chưa hợp lý và làm mất đi tính nhận dạng thương hiệu của các doanh nghiệp.

PGS.TS Thịnh phân tích, biển quảng cáo chính là điểm tiếp xúc đầu tiên giúp người tiêu dùng hình dung và hiểu được một phần nào đó về thông điệp, sản phẩm mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Trong đó, bao gồm cả tên doanh nghiệp, sản phẩm, logo, màu sắc hoặc khẩu hiệu… Việc quy định các biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh và đỏ sẽ làm mất đi tính đặc trưng này. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng khi tìm kiếm sản phẩm mà còn cản trở việc xây dựng đặc trưng thương hiệu của các doanh nghiệp. “Thực tế, việc quy định đồng bộ biển quảng cáo nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện, nhưng họ không làm như chúng ta. Tôi lấy ví dụ như ở Mỹ hoặc Trung Quốc họ chỉ quy định tiêu chuẩn về kích cỡ biển, hoặc đường viền bao quanh biển để tạo nét đặc trưng, dấu ấn riêng. Còn bên trong biển họ để màu trắng cho phép doanh nghiệp tự thể hiện sự sáng tạo, đặc trưng của mình. Tôi thấy điều này hợp lý hơn”, ông Thịnh cho biết.


Hiện tại một số cửa hàng tại đây vẫn đang để trống nội dung trên biển quảng cáo. Ảnh: Hữu Nghị

Hiện tại một số cửa hàng tại đây vẫn đang để trống nội dung trên biển quảng cáo. Ảnh: Hữu Nghị

PGS. Ts Nguyễn Quốc Thịnh cũng nhấn mạnh, trong kinh doanh việc nhận diện thương hiệu cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều nguồn thông tin như hiện nay nay thì việc nhận diện thương hiệu nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là các điểm tiếp xúc thông qua các biển hiệu. “Nếu biển quảng cáo treo ở ngoài đường, thì người đi xe máy, ô tô chỉ có khoảng 1 - 2 giây để nhận diện được thương hiệu. Một con phố có 7 nhà cũng treo biển màu xanh thì quá phức tạp để có thể tìm được. Mà đôi khi lại gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, bởi người đi đường cứ mải nhìn… biển quảng cáo”, ông Thịnh đưa ra ý kiến.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, màu sắc cũng như kích cỡ của biển quảng cáo đưa ra đều có sự lấy ý kiến, đồng thuận từ phía người dân. "Trên ý kiến góp ý của thành phố về màu sắc, chúng tôi trực tiếp giao cho phường hỏi người dân gợi ý để làm biển quảng cáo mẫu chung theo quy định của luật quảng cáo. Hai màu xanh đỏ được người dân đồng thuận thì đơn vị mới triển khai", bà Trang cho hay.

Về việc quy định đồng bộ biển quảng cáo sẽ gây khó khăn trong việc nhận dạng thương hiệu doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, những ý kiến trên quận sẽ tiếp tục tìm hiểu và nghe từ người dân để có giải pháp tối ưu. "Việc đồng bộ kích thước, chiều cao, logo phải thực hiện chung và phải đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của thành phố. Còn vấn đề màu sắc đặc thù như của các ngân hàng, siêu thị… nếu muốn đặt chi nhánh có màu sắc chủ đạo như xanh lá cây hay màu khác chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và báo cáo thành phố để từ đó có hướng giải quyết", bà Trang khẳng định.

Hà Trang