​Những ý kiến trái chiều của bạn đọc về biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn

(Dân trí) - Các chủ thương hiệu quốc tế hoàn toàn có thể khởi kiện chính quyền thành phố vì đã can thiệp vào thương hiệu logo bản quyền của họ bằng cách thay đổi màu sắc thương hiệu của họ.

>> Biển hiệu đồng bộ ở phố Lê Trọng Tấn gây tranh cãi

Các biển hiệu quảng cáo mặt phố Lê Trọng Tấn được qui hoạch đồng bộ với màu sắc, chiều cao, kích cỡ tương đồng.
Các biển hiệu quảng cáo mặt phố Lê Trọng Tấn được qui hoạch đồng bộ với màu sắc, chiều cao, kích cỡ tương đồng.

Phố Lê Trọng Tấn mới được cải tạo trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Biển hiệu của các cửa hàng mặt tiền được quy hoạch đồng bộ với màu sắc, chiều cao, kích cỡ tương đồng. Chiều cao trung bình của các loại bảng biển quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m, được sơn 2 màu xanh và đỏ.

Về cách làm biển hiệu đồng bộ như thế này, có nhiều ý kiến khác nhau.

Không ít bạn đọc khen về cách làm này. Bạn đọc Phạm Tuấn Cường cuongtvkg@gmail.com : “Mình thấy hay, để biển quảng cáo cao bằng nhau dễ tìm địa chỉ không như các tuyến phố khác cái treo ở gót chân cái treo ở gáy muốn tìm phải mỏi cổ mỏi mắt. Muốn đặc biệt thì chủ cửa hàng chỉ cần thay đổi màu sắc và hình thức của biển là được.”

Bạn đọc Ha Minh langtucodonthang8@gmail.com cho rằng:NÊN CÓ QUY HOẠCH QUẢNG CÁO ĐỒNG BỘ THẾ NÀY ĐỂ TRÁNH MẤT MỸ QUAN ĐÔ THỊ. CẦN NGHIÊN CỨU NHÂN RỘNG MÔ HÌNH NÀY TRÊN TOÀN QUỐC. TUY NHIÊN, TRÁNH KIỂU ĐỘC QUYỀN ĐỀ NGHỊ CÓ KÍCH THƯỚC KHUÔN MẪU RÕ RÀNG ĐỂ THỐNG NHẤT THỰC HIỆN.” Bạn đọc trịnh nam khánh khanh2004s@yahoo.com : ““Rất đồng bộ và đẹp !Mong rằng Thủ đô quy hoạch lại nhiều tuyến phố như thế.” Bạn đọc QUÂN TRẦN Tranhongquanhn@gmail.com: “Tuyệt vời. Hy vọng đây là tuyến đường để các tỉnh thành trong cả nước áp dụng về việc gẳn biển hiệu.” Bạn đọc lê quyền fullhouse128@gmail.com : “quá tuyệt thể hiện sự văn minh đô thị. thành phố nên áp dụng rộng rãi.” Bạn đọc Tuyen Nguyenphuc: “Nước có quốc pháp ,phố có phố quy mà! tôi thấy đây là dấu hiệu loại bỏ lối tự do chủ nghĩa, thích chơi trội của một số người ít văn hóa! Cần rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cả Thủ đô.”

Bạn đọc f568f568 f568f568@gmail.com thông tin thêm về sự phát triển sắp tới của mô hình biển hiệu trên phố kiểu thế này:Sắp tới sẽ có thí điểm mở rộng thêm một số tuyến phố trên phường Mỹ Đình 1, Q.Nam Từ Liêm, HN.”

Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn đọc chê biển hiệu không đẹp và nhàm chán, Bạn đọc Đô Phạm: “Mẫu biển xấu.” Bạn đọc ca xuan capxuanquy@gmail.com : “Nhìn quá nhàm chán, rập khuôn.” Bạn đọc hanvu hanvutv@gmail.com : “Mới đầu nhìn tuyến phố đẹp, độc, lạ mắt. Thời gian sau nhìn nhiều thì thấy chán. không có những biển lạ hút hồn người đi đường, kinh doanh ăn uống cũng giống cắt tóc, bán quần áo ... không có thương hiệu nào đăc trưng thì nhàm chán lắm.”

Bạn đọc Xuân Ly Ly phân tích sâu hơn:Đường thì đẹp mà nhìn cái biển hiệu thấy mầu sắc quá đơn điệu, giống hệt nhau? Còn gì là biển hiệu quảng cáo nữa, thiết kế thì lỗi thời. Mong là vẫn giữ nguyên kích thước và chiều cao treo bảng, nhưng chủ tiệm tự thay thế bằng biển hiệu khác đẹp hơn.”

Nhiều bạn đọc không chỉ chê về màu sác đơn điệu (xanh và đỏ) mà đứng ở góc độ kinh doanh, còn lo lắng phân tích sâu về mặt thương hiệu. Bạn đọc Phương Nickcuaem_thatday@yahoo.com than phiền: ““Chẳng hiểu các quan chức có bị ảo tưởng không mà kêu là được dân chấp thuận? Nhà tôi vừa chuyển cửa hàng về đó mất bao nhiêu tiền đầu tư biển quảng cáo mà các ông bắt gỡ ra, sau khoảng 1 tháng cho đến lắp cái biển hết sức là “đẹp” như thế kia. Làm gì thì cũng phải nghĩ cho dân chứ, chúng tôi làm ăn đã khó khăn, giờ cả cái đặc trưng thương hiệu cũng không có. Vô cùng bức xúc mà không biết kêu ai.”

Bạn đọc Minh Van thamminhvan@gmail.com : “Đẹp gì vậy? Làm vậy thì ép người ta bỏ nhận diện thương hiệu doanh nghiệp rồi còn gì. Quản lý kiểu gì chả hiểu.”

Bạn đọc Lam Trần: “Hay thật, cào đồng thương hiệu doanh nghiệp mà bảo là đẹp.”

Nhiều bạn đọc kiến nghị chỉ nên quy định đồng bộ về kích thước biển, còn về màu sắc và các trình bầy biển thì không nên can thiệp. Bạn đọc Pham Hoang Tu:Chỉ nên quy định về kích thước các chiều và độ cao treo biển thôi chứ làm biển kiểu này thì trông buồn quá, thiếu phong cách và tính sáng tạo, thành cửa hàng mậu dịch hết, phố nào cũng thế này thì chắc chết.”

Và bạn đọc Hùng Nguyễn cho rằng: “Các biển quảng cáo chỉ nên đồng bộ về kích thước. Có ai dám thay đổi màu sắc của bộ nhận diện thương hiệu các công ty lớn không?”

Bạn đọc Nguyen Hoai Son cho rằng: “Biển hiệu thì nên quy định một kích thước chuẩn thôi, còn về phương diện thiết kế thì nên cho tự do thiết kế. Cái này để mang tính thương hiệu và phát huy tính sáng tạo của mỗi cửa hàng.” Bạn đọc Vu Hai VuHai479@gmail.com cho rằng: “Có thể quy định kích thước biển quảng cáo là bắt buộc (với từng loại quảng cáo) nhưng nội dung và hình ảnh thì để người có nhu cầu quảng cáo tự thể hiện và chịu nội dung trước Pháp luật.Như thế vừa không mất đinh mỹ quan đô thị vừa được người dân ủng hộ và đông tình.

Bạn đọc tiktak www2v@yahoo.com cho rằng: “Giới hạn kích thước độ cao biển quảng cáo là đúng, nhưng giới hạn mầu và kiểu dáng biển là chưa hợp lý, nó phải đa dạng mới đẹp, không cái to cái bé là được. Mỗi một sản phẩm có mầu thương hiệu riêng, nay bắt người ta về một mầu ông bún đậu mắm tôm cũng như ông ngân hàng thì nói làm gì.”

Và bạn đọc Đồ Gỗ Minh Hòa cũng cho rằng: “Nên đồng bộ kích thước thôi, còn mầu sắc phảii do cửa hàng quyết định dể phù hợp với những thương hiệu của người ta chứ.” Bạn đọc Thụy Gòm: “Làm kiểu này thì sao mà mở chi nhánh được? Người ta nhận ra thương hiệu là nhờ vào màu sắc, logo. Cái nào nhìn cũng na ná nhau thì chịu. Chả thấy cái thông minh gì ở đây hết.”

Bạn đọc Nguyen Binh Minh anlac@yahoo.com đồng tình:Chính xác, mất đi hình ảnh thương hiệu. Chỉ nên quy định về kích thước. Thương hiệu chẳng có cái gì là nổi bật, nhìn chẳng thèm vào.”

Nhấn mạnh về vai trò của thương hiệu trong kinh doanh, nhiều bạn đọc phân tích sâu hơn về vấn đề này. Bạn đọc Hoàng Văn Nhuần hvnhuan55@gmail.com cho rằng: “Doanh nghiệp, nhà hàng... ở đây chắc đều là loại 'không có thương hiệu" nên mới chịu dùng loại biển tên này.”

Bạn đọc phan tran phan4637@gmail.com lưu ý Hà Nội về tính pháp lý của thương hiệu: “Các chủ thương hiệu quốc tế hoàn toàn có thể khởi kiện chính quyền thành phố vì đã can thiệp vào thương hiệu logo bản quyền của họ bằng cách thay đổi màu sắc làm sai lêch thương hiệu của họ, phen này chính quyền đền ốm tiền. Có thể nói việc áp đặt màu sắc xanh đỏ lên bảng hiệu chính là cách làm sai lầm của các nhà quản lý, và điều đó có thể khiến họ phải trả giá đắt vì điều này. Ngân quỹ nhà nước đã eo hẹp sẵn rồi giờ mà phải đi đền bù cho việc vi phạm bản quyền thương hiệu thì vui lắm các bác ạ. Khi phê duyệt chuyện này các bác lãnh đạo chưa suy nghĩ thấu đáo rồi. Việc áp đặt màu sắc là không được phép.”

Và bạn đọc Trọng Luật cũng cảnh báo về hậu quả: “Cái này mà làm thêm hết các phố ở Hà Nội thì trong vòng ít ngày, tôi đố các lãnh đạo Hà Nội năn nỉ được một doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế nào ở lại hoặc đến đầu tư tại Hà Nội. Chỉ còn những người buôn bán nhỏ lẻ không quan trọng thương hiệu, không quan trọng chữ cạnh tranh để phát triển thương hiệu thôi..”

Nhìn tổng hợp lại, bạn đọc Thanh Tùng tunght@hotmail.com nêu 3 vấn đề các nhà quản lý đô thị ở Hà Nội nên lưu tâm:“Tất nhiên là nên có những quy định về sự đồng bộ, tuy nhiên không nên quá rập khuôn và áp đặt. Ở đây chính quyền đã quá lạm dụng vấn đề khuân mẫu. 1) Theo luật quảng cáo, chỉ có quy định về kích thước biển chứ không hề có quy định phải theo một màu sắc hay form thiết kế nào hết. Như vậy, chính quyền địa phương có làm trái luật? 2) Mỗi cá nhân, tập thể có quyền kinh doanh và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình theo cách riêng của mình (Miễn là không trái luật) nhằm mục đích tạo sự khác biệt cũng như giúp khách hàng dễ nhận diện và phân biệt. Ở đây chính quyền địa phương đã dành mất cái quyền này. 3) Người đi mua sắm trên con phố này sẽ rất mệt bởi khó nhận ra cửa hàng mình muốn đến (Trừ khi nhớ rõ địa chỉ) vì nhìn cửa hàng nào cũng giống cửa hàng nào. Trường hợp có một vài cửa hàng kinh doanh cùng mặt hàng, lại có ông này cố tình nhái thương hiệu của ông kia thì chỉ chết người tiêu dùng thôi.”

Bạn đọc Vương Ngọc Hồng vuonghong56@yahoo.com.vn mong các nhà quản lý đô thị ở Hà Nội nên thăm dò ý kiến của dân: ““Đáng ra nên hỏi ý kiến cộng đồng, chưa gì đã cho là nhất, kiểu mẫu. Đọc xong bài báo cảm thấy ấm ức đối với người có quyền hành trong tay, chỉ biết đưa cái suy nghĩ chủ quan của cá nhân của mình mà áp đặt..”

Cuộc tranh cãi về vấn đề này có lẽ còn được các bạn đọc tiếp tục quan tâm, vì vậy bạn đọc Bui đề nghị: “Ai giỏi thì nên góp ý thêm.” Và bạn đọc tuanhungqsnh@gmail.com cũng viết: “Ai giỏi thì vào làm đi, hiến kế đi.”

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)