1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Kon Tum:

Bịa chuyện bắt cóc để trốn chăn bò đi chơi điện tử

(Dân trí) - Ngày 29/11, Công an xã Kroong, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum báo cáo kết quả xác minh thông tin đăng tải trên mạng xã hội về tình trạng bắt cóc trẻ em trên địa bàn.

Trước đó, một tài Facebook có tên Khôi Nguyen đăng tải nội dung thông tin: “Đây là em A Hưk bị bắt cóc vào ngày 23/11/2019 vừa qua...". Ngoài ra, Facebook này còn đăng hình ảnh kèm nội dung trên, đồng thời khẳng định: "Đây là thông tin có thật, để bảo vệ con em chúng ta, mọi người hãy cùng nhau chia sẻ bài viết này".

Nội dung đăng tải trên đã nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ với gần 2.000 lượt chia sẻ trên các trang Facebook, hội nhóm…

Bịa chuyện bắt cóc để trốn chăn bò đi chơi điện tử - 1
Thông tin sai sự thật của tài khoản facebook Khôi Nguyễn gây hoang mang dư luận

Trước những thông tin trên, vào 9h ngày 29/11, Công an xã Kroong (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã tiến hành lập biên bản làm việc và xác minh. Cơ quan công an cho biết, theo như Facebooker Khôi Nguyen đăng tải thì nạn nhân là em A Hưk (sinh năm 2008, trú tại thôn 4 Klah, xã Sa Bình). Qua xác minh, công an xác định sự việc trên không có thật.

Thực tế, sáng 23/11, A Hưk cùng bà Y Lơr (1957, bà nội Hưk) và anh A Quý (SN 2006) đi chăn bò. Đến buổi trưa, khi bà Y Lơr có việc phải đi một lúc, khi quay lại thì nghe A Hưk bịa chuyện có 2 đối tượng là thanh niên đi xe máy tiếp cận A Hưk và A Quý. Sau đó 2 đối tượng bắt được A Hưk bỏ vào bao nhưng A Hưk vùng chạy thoát và trốn vào rừng. Ví thế các đối tượng bỏ đi. Mục đích A Hưk bịa ra chuyện này để trốn việc chăn bò đi chơi điện tử.

Bịa chuyện bắt cóc để trốn chăn bò đi chơi điện tử - 2
Biên bản làm việc của xã Krong chứng minh thông bịa đặt

Sau khi xác minh, Công an xã Kroong đã nhắc nhở, yêu cầu bà Khôi gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và đính chính thông tin đã đăng tải. Đồng thời cùng gia đình nhắc nhở cháu A Hưk.

Công an xã Kroong cũng đã tiến hành họp các thôn trưởng, già làng, người có uy tín trong thôn để thông báo tin trên là sai sự thật và thông báo rộng rãi trong dân để trấn an dư luận.

Phạm Hoàng