1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Bí thư Nhân thăm gia đình biệt động từng giấu 3 tấn vũ khí dưới nền nhà

(Dân trí) - Trước trận đánh vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gia đình ông Trần Văn Lai đã chuyển trót lọt gần 3 tấn vũ khí xuống căn hầm bí mật trong ngôi nhà ở nội thành.

Chiều 29/1, hướng đến kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm gia đình bà Đặng Thị Thiệp - vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm gia đình bà Đặng Thị Thiệp - vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm gia đình bà Đặng Thị Thiệp - vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai đã xây dựng một hầm vũ khí tuyệt đối bí mật tại nhà số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TPHCM ngày nay).

Khi đó, được sự thống nhất của chỉ huy đơn vị, với vỏ bọc là nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, ông Năm Lai đã mua 3 căn nhà liền kề để tiến hành sửa sang, xây hầm bí mật.

Bà Thiệp cho biết, từ năm 1967, ông Năm Lai bắt đầu vận chuyển vũ khí từ căn cứ ở Củ Chi vào căn hầm bí mật dưới ngôi nhà. Trong quá trình đó, bà Thiệp được chồng tin tưởng và chia sẻ nhiệm vụ nguy hiểm.

Gần 3 tấn vũ khí được bí mật chuyển tới căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn (ảnh Đình Thảo)
Gần 3 tấn vũ khí được bí mật chuyển tới căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn (ảnh Đình Thảo)

Ông Trần Văn Lai còn gọi là Năm Lai, sinh ra tại Thái Bình và sớm tham gia cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, ông có vai trò rất lớn đối với đội biệt động Sài Gòn, là người thiết lập nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài và bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho lực lượng cách mạng tham gia đánh trận Mậu Thân năm 1968.

Ông cũng là người đã hiến tặng nhiều tài sản của mình cho cách mạng.

Trong những năm chiến tranh căng thẳng, hoạt động trong lòng Sài Gòn, ông là một nhà thầu khoán thành đạt, giàu có với nhiều tài sản có giá trị được hiến cho cách mạng. Khi đất nước thống nhất, ông trở về làm một người dân thường.

Ông qua đời năm 2002.


Ông Năm Lai cùng các con sum họp sau ngày đất nước giải phóng (ảnh tư liệu)

Ông Năm Lai cùng các con sum họp sau ngày đất nước giải phóng (ảnh tư liệu)

Chính căn hầm trong nhà gia đình ông Năm Lai là nơi cung cấp vũ khí và tập trung lực lượng biệt động đánh vào Dinh Độc Lập cũng như chi viện cho các mục tiêu khác trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cũng tại đây, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã gặp ông Phạm Văn Hôn (đồng đội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) và nghe ông kể về trận đánh Dinh Độc Lập vào Xuân Mậu Thân 1968. Ông Hôn là nhân chứng sống của cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập sau khi nhận vũ khí từ hầm nhà ông Năm Lai.

Ông Hôn cho biết, ông cùng đồng đội chiến đấu gian khổ nhưng không bằng gia đình ông Năm Lai, nhiều năm trời nằm trên đống lửa (kho vũ khí). “Chỉ cần địch phát hiện một quả lựu đạn hay một cây súng thôi là nguy hiểm đến tính mạng cả gia đình”, ông Hôn kể lại.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết được gặp những nhân chứng lịch sử giúp ông hiểu biết thêm về biệt động Sài Gòn dù ông được đọc nhiều tài liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như lực biệt động.

Bày tỏ sự cảm phục, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM gọi bà Thiệp, ông Bảy Hôn là “những người tiêu biểu không có gian khổ hy sinh nào không dám chấp nhận”.

Bí thư Nhân thăm gia đình biệt động từng giấu 3 tấn vũ khí dưới nền nhà - 4

Căn hầm nằm dưới ngôi nhà chính giữa (nhà số 287/70) có kích thước dài hơn 8m, ngang 2m, cao 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Trong hầm có 4 cửa thông qua các nhà bên cạnh đề phòng trường hợp bị địch tập kích. Gần 3 tấn vũ khí đã từng được bí mật vận chuyển vào căn hầm.

Ngoài hầm bí mật dưới lòng đất, căn nhà này còn có một hầm nổi để chiến sĩ biệt động có thể ẩn náu và cũng là hướng thoát thân.

Đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, 15 chiến sĩ đội 5 Biệt động Sài Gòn – Gia Định tập trung tại căn hầm nhận vũ khí. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), cả đội đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Sau khi các chiến sĩ biệt động bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà này vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động.

Căn hầm chứa vũ khí năm xưa đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1989.

Quốc Anh