Bí thư Nguyễn Văn Nên: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của Tổng Lãnh sự quán Hà Lan, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, quan điểm của TPHCM là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, dứt khoát không đánh đổi môi trường...
Chiều 14/4, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, văn phòng kinh tế - văn hóa tại TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã trả lời câu hỏi của Tổng Lãnh sự quán Hà Lan về quan điểm phát triển của thành phố.
"Quan điểm phát triển của TPHCM là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, dứt khoát không đánh đổi môi trường", Bí thư Nên khẳng định.
TPHCM luôn là thành phố vì cả nước, cùng cả nước và thành phố có tham vọng, khát khao để xứng tầm là vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, đặt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cao với khát vọng đưa đất nước đi lên hùng cường.
"Chúng tôi buộc phải đưa ra yêu cầu mục tiêu nhiệm vụ tương đối cao, đi kèm theo đó là kích hoạt người dân nỗ lực thực hiện khát vọng của mình. Chúng tôi phát động thi đua mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện khát vọng đấy", ông Nên nói.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ, Tổng Lãnh sự quán một số quốc gia đã đề cập và bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức, trung tâm tài chính, phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Đồng thời, đại diện các lãnh sự quán cũng quan tâm đến kế hoạch tiêm ngừa vắc xin Covid-19 tại TPHCM, mở cửa cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh, hoạt động du lịch, ô nhiễm môi trường…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM ký kết hợp tác kinh tế với 57 địa phương tại các quốc gia Việt Nam có quan hệ ngoại giao, trong đó Trung Quốc có 9 địa phương, Hàn Quốc 7 địa phương…
Theo ông Phong, TPHCM vừa báo cáo Chính phủ xin triển khai đề án xây dựng trung tâm tài chính. Theo kế hoạch sẽ báo cáo với Trung ương để thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Trung tâm tài chính Quốc gia tại TPHCM. Trong quá trình này sẽ giới thiệu đề án để mời gọi các nhà đầu tư tài chính.
Thời gian qua, TPHCM giải quyết nhanh chóng cho các nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ, các đại biểu cũng được thông tin chi tiết về việc phát triển TP Thủ Đức và Chủ tịch UBND TP cho biết có thể xem sa bàn tổng thể TP Thủ Đức trước khi các tổ chức, doanh nghiệp muốn trải nghiệm thực tế tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Giải đáp thắc mắc của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về nguồn lực phát triển TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng chỉ đầu tư công thì không thể thực hiện chỉ tiêu đề ra. Do đó, phải tranh thủ nguồn vốn các tổ chức quốc tế, đây là kênh quan trọng để đạt mục tiêu và kỳ vọng đối với TP Thủ Đức.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho rằng việc bảo vệ môi trường là hết sức quan trọng cho sự phát triển ngày càng bền vững của TPHCM. Vì vậy, thành phố kêu gọi đầu tư để biến rác thải thành điện vì công nghệ tái chế, chôn lấp trước đây đã lạc hậu.
Ngoài ra, TPHCM cũng tiếp tục giải quyết ngập, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn vì mục tiêu xây dựng chất lượng cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, đề án xây dựng Trung tâm tài chính cho phép TPHCM bắt nhịp với các xu hướng trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về đầu tư, thương mại, tài chính và công nghệ.
Bên cạnh việc tận dụng nguồn lực nội tại, TPHCM mong muốn tìm kiếm thêm các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ tài chính; tư vấn về khung pháp lý, quy định đối với sự phát triển của Trung tâm tài chính; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tài chính tại Khu đô thị Thủ Thiêm; cũng như hỗ trợ kết nối TPHCM với các trung tâm tài chính thế giới…
Ngoài ra, TPHCM đặc biệt quan tâm phát triển TP Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao khu vực phía Đông. Hiện nay năng suất lao động của khu công nghệ cao tại TP Thủ Đức gấp 16,6 lần cả nước và 6,6 lần của TPHCM và sau 5-10 năm, TP Thủ Đức có thể đóng góp 30% vào kinh tế TPHCM, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam.
"Thành phố đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, với kỳ vọng sẽ xây dựng TP Thủ Đức trở thành khu đô thị thương mại công nghệ cao, tương tự Thung lũng Silicon của Mỹ", ông Phong nói.